Khởi nghiệp khi đã 42 tuổi và tới năm 67 tuổi thì gặt hái được vô số thành tựu, sở hữu khối tài sản kếch xù, từng nhiều lần giàu nhất Trung Quốc, nhưng ít ai biết rằng, vị tỷ phú này từng có thuở nghèo nàn và túng thiếu đến thế. Với ông, sự chăm chỉ là chìa khóa then chốt.
“Có thể nói tôi từ đáy xã hội ngoi lên”
Tông Khánh Hậu (Zong Qinghou) sinh ngày 16 tháng 11 năm 1945, quê ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ông là người sáng lập Tập đoàn Wahaha, chủ tịch kiêm tổng giám đốc hiện tại của tập đoàn, đồng thời cũng là chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp đồ uống Chiết Giang và chủ tịch Công ty TNHH Robot thông minh Zhejiang Wahaha.
Năm 2010, Tông Khánh Hậu lần đầu tiên đứng đầu Danh sách Người giàu nhất Trung Quốc theo Hurun Report. Tới tháng 5 năm 2020, ông xếp thứ 38 trên Top 500 người giàu nhất thế giới, cũng theo Hurun Report.
Tuổi thơ của Tông Khánh Hậu vô cùng nghèo khổ. Khi ông mới 4 tuổi, gia đình khó khăn tới cùng cực, nhà lại có tới 5 anh chị em. Sau khi chuyển nhà tới Hàng Châu, cha ông không tìm được công việc. Cả nhà chỉ sống dựa vào đồng lương giáo viên tiểu học ít ỏi của mẹ ông.
“Trong một thời gian dài, tôi thường xuyên thiếu cái ăn cái mặc. Có thể nói tôi đã từ dưới đáy xã hội ngoi lên”, ông Tông nói khi hồi tưởng về thời trẻ của mình.
Tuổi thơ của Tông Khánh Hậu vô cùng nghèo khổ. Khi ông mới 4 tuổi, gia đình khó khăn tới cùng cực, nhà lại có tới 5 anh chị em. Sau khi chuyển nhà tới Hàng Châu, cha ông không tìm được công việc. Cả nhà chỉ sống dựa vào đồng lương giáo viên tiểu học ít ỏi của mẹ ông.
Tới năm 1963, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, Tông Khánh Hậu đến một trang trại ở Chu Sơn để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Năm 1964, ông lại chuyển công việc sang làm nhân viên điều vận ở trang trại Thiệu Hưng, Chiết Giang.
Năm 1978, mẹ của Tông Khánh Hậu nghỉ hưu. Ở tuổi 33, Tông Khánh Hậu trở về Hàng Châu để thay mẹ làm nhân viên bán hàng trong một nhà máy sản xuất thùng carton do Công Nông Giáo điều hành.
Sau đó, ông lại nhiều lần chuyển công việc, giữ các chức vụ khác nhau như quản lý sản xuất và bán hàng, nhân viên bán hàng, quản lý bộ phận phân phối…
Tới tận năm 1987, ông quyết tâm vay 22.000 USD từ họ hàng để mua lại một cửa hàng nhỏ mà trước đó làm ăn thất bát. Tại đây, ông mở cửa hàng rau quả đầu tiên của mình, cũng là bước đệm đầu tiên cho hành trình khởi nghiệp sau đó.
Nhờ nắm bắt kịp thời nhu cầu đẩy mạnh và phát triển nền kinh tế thị trường hồi đó, Tông Khánh Hậu đã nhanh chóng thu về khoản lợi nhuận năm đầu tiên lên tới 15.991 USD. Tại thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/50 con số ấy.
Năm 1989, ông thành lập Nhà máy Thực phẩm Dinh dưỡng Hàng Châu Wahaha và giữ chức vụ Giám đốc, vạch kế hoạch khai thác thị trường “chất dinh dưỡng dạng lỏng dành cho trẻ em”.
Mặc dù đã có 38 nhà sản xuất chất dinh dưỡng dạng lỏng trên thị trường, nhưng chưa một ai hướng tới riêng đối tượng trẻ em như Wahaha. Vì thế, chiến dịch quảng cáo bàn đầu đã gây chú ý với các bậc cha mẹ Trung Quốc và tạo nên một thành công rực rỡ.
Chăm chỉ là chìa khóa duy nhất giúp người nghèo thoát nghèo
Năm 1991, Tông Khánh Hậu huy động 236 triệu nhân dân tệ để sáp nhập Nhà máy Đồ hộp Hàng Châu và thành lập nên Tập đoàn Thực phẩm Wahaha.
Lúc này, do thiếu kinh nghiệm trong quản lý dự án, dòng tiền trở thành vấn đề, việc xây dựng và kinh doanh gặp nhiều trì trệ trong nhiều năm. Ông đã thử chuyển đổi từ việc chỉ kinh doanh thức uống có lợi cho sức khỏe sang các sản phẩm khác, tuy nhiên gặp liên tiếp thất bại.
Năm 1994, Wahaha tham gia đàm phán cùng Danone để nhận vốn tài trợ. Họ nhắm vào thị trường nước đóng chai, sản phẩm Nước tinh khiết Wahaha ra đời và công ty đã thực sự biến nó thành con gà đẻ trứng vàng trong suốt một thời gian dài.
Nhiều nhà kinh tế từng nhận định rằng, đây chính là viên gạch quan trọng nhất để Tông Khánh Hậu xây dựng đế chế kinh doanh khổng lồ như ngày nay.
Ba năm tiếp theo, Wahaha liên tục mở rộng thêm 40 công ty tại 22 thành phố cấp tỉnh khác nhau, biến nó thành một trong những công ty đồ uống lớn nhất ở Trung Quốc.
Trong suốt hai thập kỷ rưỡi kể từ khi thành lập, việc kinh doanh của ông ngày càng phát đạt, vào thời kỳ Trung Quốc tăng trưởng phi mã với tốc độ GDP mở rộng trên 10% mỗi năm. Công ty Wahaha của ông Tông đã thu hút lượng khách lớn nhờ việc tầng lớp nghèo ngày càng khấm khá.
Tới năm 2011, Wahaha đã có doanh thu 11 tỷ USD, chiếm thị phần thứ 3 về đồ uống tại Trung Quốc, đứng sau Coca-Cola và thương hiệu Tingyi của Hong Kong.
Nhờ vậy, năm 2012, Tông Khánh Hậu đã trở thành một tỷ phú thành đạt, là ông trùm ngành nước giải khát và cũng là người giàu nhất tại Trung Quốc đại lục ở độ tuổi 67. Vào thời điểm ấy, tài sản của ông được Bloomberg định giá ở 20,1 tỷ USD, giàu thứ 30 thế giới.
Năm 2013, ông được vinh danh “Doanh nhân tư nhân có đóng góp xuất sắc cho nền công nghiệp quốc gia”.
Để đạt được kết quả như vậy, không thể không nói đến sự tận tụy của ông Tông Khánh Hậu để hoàn thành trách nhiệm ngay từ ngày đầu khởi nghiệp. Tinh thần cống hiến hết mình cho công việc của ông đã trở thành một huyền thoại.
Tuy có quy mô lên tới khoảng 30.000 nhân viên nhưng ông Tông vẫn đích thân xem xét từng khoản chi phí định kỳ, bao gồm cả những lợi ích xung quanh việc áp dụng chính sách mới, thay đổi lề thói cũ, giúp hạn chế được việc lãng phí, quét sạch thói tham ô, lạm dụng chức quyền trong tập đoàn.
Chia sẻ trong một bài phỏng vấn với tờ Bloomberg, ông Tông cho biết: “Khi còn nghèo, tôi luôn phải tìm cách vươn lên. Những kinh nghiệm đó giờ đây vẫn còn giúp ích tôi rất nhiều”.
Đó chính là lý do mà ông luôn thể hiện thái độ chăm chỉ và cầu toàn hết mực trong công việc. Ông cho rằng, làm việc chăm chỉ là chìa khóa duy nhất giúp bản thân những người nghèo tự thoát nghèo. Muốn cải thiện cuộc sống, bạn chỉ có thể làm việc hết mình. Người duy nhất có thể giúp bạn chỉ có chính bạn mà thôi.
Ông Tông cũng áp dụng phương thức này trong những hoạt động từ thiện của mình. Ông tâm niệm: “Thay vì cho người khác tiền để họ chi tiêu, nghèo lại hoàn nghèo, thì hãy khuyến khích mọi người chăm chỉ làm thật tốt công việc của bản thân. Hãy cho họ cần câu và dạy cách câu cá hơn là cho họ con cá.”
Đây chính là lý do đem tới thành công cho người đàn ông liên tục lọt Top Danh sách 400 người giàu của Forbes Trung Quốc năm 2020 với khối tài sản 56,72 tỷ nhân dân tệ. Đồng thời, cái tên Tông Khánh Hậu cũng đứng thứ 196 trong Top 500 nhân vật thương hiệu hàng đầu Trung Quốc năm 2020.
Tỷ phú cần kiệm, 3 bữa mỗi ngày đều ăn cơm công ty
Trước đó, báo chí từng đưa tin, dù đã trở thành tỷ phú đôla, Tông Khánh Hậu chỉ tiêu 20 USD mỗi ngày, với thú vui chỉ là hút thuốc và uống trà.
Ai cũng biết ông là một người nghiện công việc với giai thoại bất cứ mua sắm thứ gì cho văn phòng, kể cả mua một cây chổi, đều phải trình ông duyệt.
“Ông Tông rất đạm bạc, ba bữa hàng ngày đều dùng tại nhà ăn của công ty”, các nhân viên tại Wahaha mô tả về ông chủ của họ như thế. Tông Khánh Hậu nổi tiếng là người sống rất giản dị, không theo đuổi phong cách sang trọng, xa hoa như một số tỷ phú khác.
Ông hiếm khi chi nhiều tiền để mua quần áo, cho rằng dùng điện thoại loại “nghe-gọi” với giá tầm 1.000 NDT (147 USD) là được, chi tiêu hàng năm chưa bao giờ vượt quá 50.000 NDT (hơn 7.300 USD).
Tông Khánh Hậu chia sẻ: “Tôi sống như thế đã quen rồi. Thuở hàn vi bữa no bữa đói, khi bắt đầu làm ăn cũng từng chịu không ít khổ cực. Từng đồng tiền có được đều do tôi vất vả làm ra, nhưng tôi không thích chi tiêu quá thoải mái”.
Chuyện tiêu xài của ông chủ Tông cũng trở thành một giai thoại trong công ty và trong giới doanh nghiệp. Ông từng phát biểu: “Công việc duy nhất của tôi là nghiên cứu thị trường. Thú vui duy nhất của tôi là hút thuốc và uống trà Lipton”.
Xem thêm bài liên quan
- Chuyện đời tỷ phú “ngoi lên từ dưới đáy xã hội”, 42 tuổi mới khởi nghiệp rồi trở thành “Vua nước giải khát” giàu nhất Trung Quốc
- Cuộc đời bí ẩn và hào hùng của “kẻ dị biệt” giàu nhất Châu Á: Từ 2 bàn tay trắng phất nhanh không tưởng nhờ triết lý kinh doanh khác người
- Tỷ phú từng giàu nhất Trung Quốc bị bắt: Doanh nhân nổi tiếng trong ngành năng lượng với tài sản hàng chục tỷ USD