Ông chủ Amazon, tỷ phú Jeff Bezos cho rằng: Một ngày đưa được ra 3 quyết định đúng thì được coi là thành công.
Vào năm 304 trước Công Nguyên, đã từng có một thương gia lỗi lạc tên là Zeno, ông nổi tiếng với khả năng buôn bán vượt biển và xây dựng nên cả cơ ngơi nhờ chiếc thuyền. Éo le thay, mọi thứ nhanh chóng thay đổi khi chiếc thuyền gặp nạn, Zeno rơi vào cảnh khốn cùng. Mất tất cả, ở trong tình thế khó khăn, Zeno chẳng biết phải làm gì với cuộc đời mình.
Và may mắn cho Zeno, trong một ngày lang thang ở thư viện, ông đã đọc được cuốn sách về triết gia Socrates, thứ mà ông không hề hay sẽ thay đổi cuộc đời mình. Mê mẩn bởi những lý tưởng của Socrates, Zeno quyết định vượt trùng xa tới thành Athens để học hỏi thêm, đây cũng là nơi mà chủ nghĩa khắc kỷ (chủ nghĩa Stoic) ra đời.
Nghĩ lại về khoảng thời gian lam lũ, Zeno từng nói đùa: “Nhờ một chiếc thuyền đắm mà tôi đã vượt cạn thành công”.
Chủ nghĩa Stoic cho rằng vạn vật trên đời đều hoạt động dựa trên một mạng lưới liên kết, nó có nguyên nhân và kết quả. Thay đổi một yếu tố dù chỉ nhỏ thôi cũng sẽ khiến đại cục khó ngờ. Chủ nghĩa này còn đề cao khả năng điều khiển bản thân trong các tình huống, dù ta không thể điều khiển ngoại cảnh nhưng vẫn có thể vượt lên nếu biết kiểm soát hành động cũng như cảm xúc của mình.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhiều người cho rằng chủ nghĩa Stoic cũng đã quá lỗi thời, thế nhưng đó lại là một trong những thứ được giới siêu giàu áp dụng hàng ngày, nhà đầu tư Tim Ferriss còn mạnh dạn cho rằng “Chủ nghĩa Stoic là cách đơn giản và nhanh nhất để có được kết quả tốt hơn mà không cần quá cố gắng”.
Jeff Bezos được cho là một trong những tỷ phú áp dụng chủ nghĩa này, nó cũng phần nào được lý giải thông qua các thành động của người giàu nhất hành tinh.
Có cực nhiều tiền không đồng nghĩa với việc phải sở hữu siêu xe, quần áo đắt tiền hay dinh thự nghìn tỷ
Một nhân vật lỗi lạc theo trường phái Stoic chính là hoàng đế La Mã Marcus Aurelius, người đã trị vì đế quốc này từ năm 161 đến khi ông mất vào năm 180. Marcus Aurelius nổi tiếng nhờ sự hiểu biết cũng như khả năng lãnh đạo giúp La Mã yên bình và hưng thịnh khi ông cầm quyền.
Ông cũng được nhiều người đề cao vì sự tiết kiệm khi đã bán rất nhiều lâu đài hoa lệ để phục vụ quốc gia. Marcus cho rằng ông chẳng cần những thứ xa xỉ ấy khi mà chúng không giúp gì được cho La Mã cũng như người dân.
Càng mong muốn có nhiều của cải, vật chất, chúng ta càng phải làm nhiều thứ hơn để có được chúng. Tưởng rằng có nhiều vật chất là thứ tốt, thế nhưng ít người nhận ra rằng trong quá trình theo đuổi đó ta mất đi tự do và chẳng còn hạnh phúc như lúc mơ mộng ban đầu.
Đối với Jeff Bezos, ông xây dựng Amazon với sự tiết kiệm đặt lên hàng đầu, Jeff Bezos cho rằng chỉ có tiết kiệm mới sản sinh được ra sự sáng tạo, ta không thể thoát khỏi một căn phòng tối nếu không biết sáng tạo đường ra.
Không chỉ trong công việc, cuộc sống của Jeff Bezos cũng tràn ngập sự giản dị, tiết kiệm giống như nhiều tỷ phú đáng kính khác, có mấy người biết rằng chiếc bàn làm việc của Jeff Bezos được “chế” từ một cánh cửa cũ với 4 chân gỗ được ghép lại? Nico Lovejoy, nhân sự thứ 5 của Amazon cười và nói rằng:
“Chúng tôi tới cửa hàng nội thất, Bezos nhìn giá chiếc bàn đang giảm giá, ông bỏ đi và tìm tới nơi có những chiếc cửa giảm giá. Tất nhiên là cửa rẻ hơn nhiều, chính vì thế ông đã mua một chiếc cửa và thêm vài cái ghế vào để làm thành bàn. Chiếc bàn đầu tiên của Bezos cũng vậy mặc dù nó khá xộc xệch, Bezos sẽ thất nghiệp nếu như ông ấy quyết theo nghiệp thợ mộc”.
Lý giải câu chuyện này, Bezos nói:
“Đây là một biểu tượng của doanh nghiệp chúng tôi, nó tượng trưng cho việc tiêu tiền vào đúng chỗ, mang lại giá trị cho người dùng chứ không phải tiêu hoang bừa bãi”.
Lấy cảm hứng từ chiếc bàn ngày nào, hàng năm Amazon đều mở giải thưởng sáng tạo cho nhân viên, những người nghĩ ra ý tưởng tiết kiệm sẽ được thưởng tiền và một chiếc “bàn cửa” mini được kí tên bởi chính Jeff Bezos. Có những sáng tạo tưởng chừng đơn giản như thay giấy gói quà bằng túi nhưng đã tiết kiệm được cho Amazon hàng triệu USD mỗi năm.
Một ngày đưa được ra 3 quyết định đúng thì được coi là thành công
Thời gian là một thứ hữu hạn và có giá trị cực lớn đối với bất kì ai. Thế nhưng, đối với những người bình thường khi mà thời gian mỗi ngày xoay quanh các cuộc điện thoại, trả lời email, việc cá nhân… chúng ta đã thấy không đủ, những lãnh đạo tập đoàn lớn phải có nguyên tắc làm việc cực kì chặt chẽ để tối ưu hóa công việc trong ngày. Jeff Bezos cũng không phải ngoại lệ, ông coi trọng thời gian như bất kì CEO hay người siêu giàu nào khác.
Mặc dù vậy, Jeff Bezos không tự đưa mình vào nhóm “tỷ phú thiếu ngủ” như nhiều đại gia khác khi chỉ chợp mắt chưa tới 4 giờ mỗi ngày. Ông chú trọng việc ngủ đủ 8 giờ, có khoảng thời gian riêng giành cho bản thân thế nhưng một khi đã vào việc, mọi thứ phải có quy tắc và không được vượt quá giới hạn thời gian.
Tất nhiên, Jeff Bezos cũng như nhiều người thành công khác hạn chế tiếp xúc với công việc khi mới thức giấc, ông không kiểm tra email, không gọi điện thoại và cũng không suy nghĩ nhiều tới công việc. Jeff Bezos cho rằng, một chút thảnh thơi buổi sáng đôi khi sẽ kích thích sự sáng tạo, giúp ông tìm ra những phát kiến mới mà bấy lâu nay chưa nghĩ ra.
Triết gia Seneca, một nhân vật theo trường phái Stoic từng nói:
“Chẳng ai trên đời chịu nhường nhịn của cải của mình, chỉ một tranh chấp nhỏ cũng có thể gây ra xung đột lớn. Mặc dù vậy ta lại dễ dàng để người khác xâm phạm cuộc sống của chính mình, tệ hơn, chúng ta mời gọi họ làm điều đó. Chẳng ai cho tiền người lạ, thế nhưng nhiều người đang cho đi cuộc sống của chính mình. Con người quá quan tâm tới của cải và tiền bạc ấy vậy lại chẳng quan tâm tới thời thời gian bị lãng phí, thứ mà khi mất đi rồi sẽ chẳng còn lại gì ngoài nuối tiếc”.
Vị triết gia lỗi lạc này nhấn mạnh rằng ai trong chúng ta cũng sẽ mất đi khoảng thời gian mà ta không thể kiểm soát, đó là do ngoại cảnh. Thế nhưng, nếu mất đi thời gian mà ta hoàn toàn có thể kiểm soát lại là điều không thể chấp nhận được.
Khoảng thời gian quý giá lại bị phí phạm cho những thứ không đáng giá thì thật đáng tiếc. Triết lý của Seneca tập trung quanh việc dành thời gian cho những thứ có nghĩa hơn.
Jeff Bezos cũng vậy, ngoài khoảng thời gian thảnh thơi cho buổi sáng, ông tập trung cao độ trong khoảng thời gian làm việc. Buổi họp quan trọng nhất trong ngày được Bezos tổ chức vào lúc 10 giờ sáng, ông cho rằng những thứ căng thẳng, cần nhiều IQ và hoạt động não bộ nên được thực hiện trước bữa trưa. Những buổi họp của Bezos cũng có nguyên tắc, ông không họp với nhiều người và sẽ không tham gia những buổi họp quá lớn.
Người giàu nhất hành tinh đã tự sáng tạo nên công thức riêng cho những buổi họp của mình với tên gọi “2 chiếc pizza”. Buổi họp nào mà 2 chiếc pizza không đủ cho tất cả những người trong phòng, Bezos sẽ không tham gia buổi họp đó. Ông cho rằng đó là một sự lãng phí thời gian, những buổi họp thiếu tập trung khi có quá nhiều người.
Ngoài họp hành, khoảng thời gian còn lại trong ngày sẽ được Jeff Bezos sử dụng để đưa ra 3 quyết định tốt.
Chỉ khi có thất bại, thành công mới đâm chồi
Epictetus, triết gia chủ nghĩa Stoic từng nói:
“Nếu bạn thất bại một lần và tự nói với mình rằng lần sau sẽ thành công, bạn sẽ cứ tiếp tục thất bại nếu giữ mãi cách cũ. Tới cuối cùng, bạn sẽ quá kiệt quệ để rồi không nhận ra mình đã sai thứ gì và rồi tự oán trách bản thân”.
Warren Buffett có một câu nói rất nổi tiếng: “Nếu bạn chỉ làm một việc, làm đi làm lại thì kết quả của nó vẫn sẽ cứ giống nhau hết lần này tới lần khác”.
Thất bại là một thứ mà ai cũng gặp phải, thế nhưng làm thế nào để vượt qua được nó lại là điều không phải ai cũng dám chấp nhận. Tại sao lại là chấp nhận? Đó là chấp nhận mình đã sai, chấp nhận mình yếu kém, chịu nhìn ra điểm yếu để rồi thay đổi, biến nó thành thành công.
Jeff Bezos yêu thích sự thất bại, ông gọi chúng là những thử nghiệm đắt tiền. Những thất bại của Jeff Bezos cũng không hề nhỏ, mỗi quyết định sai đều khiến Amazon mất đi hàng tỷ USD. Mặc dù vậy, Bezos cho rằng thất bại và sáng tạo là hai khái niệm song hành, ông còn ví von chúng như một cặp song sinh không thể tách rời.
“Để sáng tạo chúng ta phải thử nghiệm, và nếu ta biết từ đầu rằng mọi chuyện sẽ không như ý muốn, thì đó không còn là thử nghiệm nữa. Công ty nào cũng theo đuổi sáng tạo, phát kiến những thứ mới thế nhưng chẳng mấy ai chịu chấp nhận chuỗi thất bại nối tiếp thất bại, thứ cần thiết đề có được sáng tạo”.
Bezos cho rằng thất bại luôn đi kèm với bài học, kinh nghiệm. Đôi khi ta thất bại nhưng bài học có được lại giá trị hơn rất nhiều.
“Nếu thử 10 lần, 9 lần sẽ thất bại. Thế nhưng, một ngày đẹp trời nào đó bạn sẽ nhận ra bài học giá trị rất lớn, có thể gấp cả trăm lần. Cơ hội 10% để nhận giá trị gấp 100 lần, tôi sẽ luôn theo đuổi nó”, Jeff Bezos trả lời phỏng vấn.
Đây cũng là lý do vì sao Amazon cùng Jeff Bezos rất thích thuê những người đã từng thất bại, họ không những có kinh nghiệm trong lĩnh vực thất bại mà họ còn là những cá nhân không ngại thử, không ngại thua để tìm ra hướng đi mới cho tập thể. Văn hóa này đã được hình thành ở Amazon từ rất lâu, thậm chí đã được Jeff Bezos đưa vào thư gửi cổ đông từ năm 1997 cho tới nay.
Theo Doanhnhan
Xem thêm bài liên quan
- Chuyện đời người chăn lợn vươn lên thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới: Đóa hoa mọc trên vách đá là đóa hoa kiên cường nhất
- Tỷ phú sáng lập hãng máy tính Dell: “Cuộc sống như nhận nhiều cú đấm, khi ngã xuống hãy đứng dậy và tiếp tục chiến đấu!”
- 3 nguyên tắc và phong cách kiếm tiền “bất khả chiến bại” của tỷ phú Lý Gia Thành: tích lũy, tiết kiệm, tìm kiếm tự do trong kinh doanh, cân bằng cuộc sống