Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần rà soát, tổng kết những vướng mắc, tồn tại, hạn chế để có những điều chỉnh tổng thể, khắc phục tình trạng nhà nhà, người người kinh doanh bất động sản.
Tham gia thảo luận tại phiên họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sáng 12/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cái lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là vấn đề quy hoạch, liên quan đến kế hoạch sử dụng đất và phát triển dự án bất động sản.
“Hiện nay thiếu nhất là trục quy hoạch theo thời gian. Chúng ta quy hoạch theo lãnh thổ, trong cùng một thời gian tung ra quá nhiều dự án bất động sản, cung vượt cầu thì chắc chắn sẽ không bán được. Ngược lại, cung khan hiếm thì giá sẽ tăng lên”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Do đó, ông cho rằng tái cấu trúc ở đây là tái cấu trúc thị trường, doanh nghiệp và sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề này trong dự thảo luật chưa quy định rõ, thị trường bất động sản cần điều tiết từ xa, từ sớm.
“Tham gia sàn bất động sản hay không là quyền của người mua”
Liên quan đến giao dịch qua sàn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ việc không ai nói phải giao dịch bất động sản qua sàn. Dự thảo luật chỉ có thể quy định thiết chế, địa vị, điều kiện thành lập, cơ chế hoạt động sàn giao dịch.
“Còn việc chọn tham gia hay không là quyền của người mua, tham gia sàn này hay sàn kia là quyền của mỗi người. Nghị quyết 18 nêu rõ vấn đề tăng cường thanh toán không tiền mặt thì không thấy trong dự án luật, mà lại bắt buộc giao dịch qua sàn. Lúc thế này, lúc thế kia rất khó cho thị trường bất động sản”, ông Huệ đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý nghị quyết 18 có nội dung về xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin về đất đai; có cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, nhưng trong dự thảo luật không có điều khoản cụ thể về nội dung này.
Ông đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ nội dung nghị quyết, đường lối, chủ trương của Đảng tại dự thảo luật này.
“Trong vấn đề quản lý thị trường bất động sản, cần rà soát, tổng kết những vướng mắc, tồn tại, hạn chế để có những điều chỉnh tổng thể, cả về sân chơi, người chơi và luật chơi. Ai là chủ thể tham gia thị trường này – tức người chơi và họ có năng lực như thế nào để từ đó khắc phục tình trạng nhà nhà, người người kinh doanh bất động sản”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Một vấn đề khác, theo Chủ tịch Quốc hội cũng cần nghiên cứu kỹ lại, đó là quy định về điều kiện kinh doanh bất động sản. Ông Huệ cho rằng đã là thị trường thì phải quản lý hàng hóa, bán cái gì, mua cái gì.
“Nhà nước đóng vai trò đạo diễn để có hàng hóa chất lượng, không có hàng giả, nhái, kém chất lượng, còn càng nhiều người mua càng tốt…”, ông Huệ nhấn mạnh.
Vì sao đề xuất mua, bán bất động sản qua sàn?
Giải trình tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ nguyên tắc giao dịch qua sàn bất động sản chỉ quy định với giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai.
Còn lại là khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, mua, cho thuê giao dịch qua sàn. Thực tế hiện nay các chủ đầu tư tùy điều kiện thực tế có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ sàn hoặc thành lập sàn riêng để giao dịch.
“Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 1.000 sàn giao dịch bất động sản. Hầu hết chủ đầu tư, tổ chức bán hàng thông qua sàn giao dịch của dịch vụ môi giới và các tổ chức môi giới. Các chủ đầu tư quy mô lớn mới tổ chức sàn giao dịch hoặc có bộ phận bán hàng riêng”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Xây dựng cũng nhấn mạnh qua góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát kỹ hơn để quy định đảm bảo khả thi, tiện lợi cho các bên tham gia giao dịch bất động sản.
Trong dự thảo luật bổ sung quy định về việc bất động sản hình thành trong tương lai phải giao dịch qua sàn để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Về việc bỏ nội dung “nhằm mục đích sinh lời” trong khái niệm kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng cho biết qua áp dụng cho thấy quy định này còn không rõ ràng, không mang tính định tính, không bao quát hết được các hoạt động liên quan giao dịch bất động sản tại. Thực tế có những hoạt động giao dịch bất động sản không có sinh lời.
Bất động sản Việt vắng bóng thương vụ M&A tỷ USD
Theo các chuyên gia, nhiều nhà đầu tư ngoại quốc đã quan tâm nhiều hơn tới thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, những thương vụ M&A lớn vẫn chưa hiện diện.
Tại hội thảo “Khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài cho thị trường bất động sản trong bối cảnh mới”, nhiều chuyên gia nhận định rằng thị trường M&A (mua bán và sáp nhập) đang ghi nhận làn sóng quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các giao dịch thành công vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo bà Dung Dương, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu thị trường Việt Nam nhiều hơn hẳn các năm trước. Trong đó, 50% số nhà đầu tư là các tên tuổi mới trên thị trường, trước đây là Hong Kong, Singapore, nay còn có cả Nam Phi, Saudi Arabia.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, dòng vốn FDI chỉ chiếm 10% tổng số vốn mà doanh nghiệp huy động được.
Các nhà đầu tư đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn vốn ngoại được huy động vẫn chưa lớn như kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa mặn mà và sẵn sàng đón nhận dòng tiền này.
“Lãi vay của nhà đầu tư nước ngoài đưa ra rất cao, lên đến 18-20%. Các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ không chấp nhận mức lãi suất này. Ngoài ra, nhiều đơn vị cũng chưa sẵn sàng minh bạch dòng tiền”, bà Dương chia sẻ.
Theo Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, thị trường đã ghi nhận các thương vụ M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam và nàh đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay vẫn chưa có giao dịch lớn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam, cho biết nhiều doanh nghiệp ngoại đã chủ động tìm kiếm cơ hội những vẫn chưa thể thực hiện giao dịch thành công.
“Doanh nghiệp Việt Nam không mong muốn bán dự án bất động sản của mình. Trong khi đó, các đơn vị nước ngoài đang được quyền lựa chọn nên họ để giá rất thấp”, ông Công Ái bình luận.
Theo Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, đơn vị đã chốt được một số đơn hàng ở Hà Nội và TP.HCM nhưng giá trị thương vụ rất nhỏ. Nhà đầu tư nước ngoài hiện mới chỉ lựa chọn xuống tiền tại 2 thành phố này.
“Khả năng dự án lớn lên tới 1,5 tỷ USD bị thâu tóm là rất khó, có thể mất hàng năm để thực hiện. Nhà đầu tư cũng không phải lúc nào cũng sẵn 1,5 tỷ USD để đầu tư”, ông Công Ái chia sẻ.
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, một thông tin rất tích cực trong tuần vừa rồi là khả năng cao Quốc hội sẽ thông qua cơ chế đặc thù cho TP.HCM với một số điểm nổi bật như đầu tư tài chính, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tạo điều kiện cho TP.HCM phân cấp TP. Thủ Đức…
“Nếu cơ chế này đi vào thực tiễn, hàng chục dự án lớn ở TP.HCM có thể được tiếp tục triển khai. Dù chính sách chưa đột phá nhưng giải quyết được nhiều vướng mắc, đặc biệt là vấn đề hạ tầng và bất động sản. Tôi nghĩ 90-95% khả năng Quốc hội sẽ thông qua”, ông Thành nhấn mạnh.
Vị tiến sĩ cho rằng tình hình thế giới vẫn đang có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, thị trường bất động sản trong nước sẽ xuất hiện tín hiệu khởi sắc trong quý II. Về vấn đề FDI, ông Thành cho rằng Việt Nam cần có tính linh hoạt, vượt lên khuôn khổ pháp lý để hợp tác với các “tay chơi” lớn.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Thị trường lao dốc, hàng loạt môi giới bất động sản “vỡ mộng” phải bỏ nghề, lo không có thưởng Tết
- Đã đến lúc “bắt đáy” bất động sản chưa? Khi nào bất động sản chạm đáy? Ai không nên chờ bắt đáy?
- Bật mí tuyệt chiêu thao túng tâm lý khách hàng siêu đỉnh của “cò đất”: xuống tiền chỉ sau 5 câu “mồi chài”