Do tài chính khó khăn, nhiều chủ nhà tại phố cổ Hội An hiện rao bán với giá khoảng 50-60 tỷ đồng. Dù mức giá này đã giảm 10% so với vài tháng trước, vẫn khó tìm khách mua.
Trải qua 2 năm đại dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của những chủ nhà và khách thuê tại phố cổ Hội An (Quảng Nam) không còn như trước.
Thời gian gần đây, dù lượng khách du lịch đã trở lại, song nhiều chủ nhà vẫn không cầm cự được, do đó, hàng loạt căn nhà tại phố cổ được đưa lên sàn rao bán.
Bên cạnh đó, cùng với sự ảm đạm của thị trường bất động sản, mức giá những căn nhà này cũng đã giảm nhẹ khoảng 10% sau vài tháng không tìm thấy khách mua.

Điển hình, căn nhà phố 2 tầng view sông nằm ngay mặt tiền đường Bạch Đằng, gần Cầu Chùa đang rao bán với giá 55 tỷ đồng, tương đương 550 triệu đồng/m2.
Điều đáng nói là vài ngày trước đây, căn nhà này còn được rao bán với giá 60 tỷ đồng. Dù đã giảm 10%, mức giá này vẫn khiến nhiều người ”bất ngờ”.
Trao đổi với Zing, môi giới cho biết căn nhà phố 100 m2 này vẫn đang kinh doanh nhà hàng và có thể được cho thuê với giá là 180 triệu đồng/tháng. “Không có căn thứ 2 để so sánh, vị trí căn này nằm ngay trung tâm và luôn có lượng khách đông nhất phố cổ”, người này khẳng định.
Trong khi đó, một căn nhà khác cùng nằm trên tuyến đường này có diện tích lên đến 230 m2 chỉ có giá rao bán là 45 tỷ đồng. Hiện căn nhà vẫn được cho thuê kinh doanh làm nhà hàng.
Cách đó khoảng 750 m, một căn nhà phố có tổng diện tích 230 m2 nằm trên đường Lê Lợi, có mặt tiền rộng 10,3 m đang được rao bán với giá 46 tỷ đồng. Đáng chú ý, căn này cũng được chủ nhà giảm giá khoảng 10% so với cuối tháng 2 năm nay và không giảm so với thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.
Vị trí căn nhà phố 2 tầng này nằm cách phố đi bộ khoảng 250 m. Môi giới cho hay trước đây căn này được khách thuê cũ kinh doanh tiệm vải. Tuy nhiên, sau thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát căn này tới nay vẫn để trống chưa cho thuê trở lại do chủ nhà ưu tiên bán nhà.
Người này cũng khẳng định vị trí này nằm gần khu vực sầm uất, những nhà hàng bên cạnh đều luôn đông khách nên rất dễ cho trong việc tìm khách thuê.
Trước tình hình này, chia sẻ với Zing, ông G.H., chủ một căn nhà trên phố cổ Hội An cho biết giá trên các trang rao bán hiện tại khá sát thực tế.
“Sau dịch giá nhà tại đây đã giảm còn khoảng 50-60 tỷ đồng/căn. Hiện tại, tuy lượng khách du lịch chưa phục hồi bằng giai đoạn trước Covid-19, nhưng hoạt động kinh doanh buôn bán trong khu vực này cũng đã có thể mang về 100-300 triệu đồng/tháng, tùy ngành nghề”, ông cho biết.
Nói với Zing, ông M.L. – một môi giới bất động sản lâu năm tại TP Hội An cho biết – trước đây chủ những căn này hầu hết là người dân sở hữu, tuy nhiên, do dịch bệnh kinh doanh khó khăn khiến nhiều người buộc phải chuyển nhượng để xoay xở tài chính.
“Trong năm nay, giá thuê những căn này dao động khoảng 50-80 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do sức ép trả lãi vay ngân hàng, khó khăn tài chính nên khách thuê để kinh doanh chưa nhiều bằng thời điểm năm 2019”, người này nói.
Ông L. còn tiết lộ chủ của những căn nhà đang rao bán chủ yếu do thua lỗ từ đợt dịch đến nay. “Với những người này họ luôn cần số tiền lớn để xoay sở dòng vốn nên muốn bán luôn cả căn để xử lý kịp thời. Tuy nhiên, nếu cho thuê phải ký hợp đồng dài hạn nên họ vẫn ưu tiên rao bán nhà hơn”, ông nói.
Người Việt vẫn ưa thích đầu tư vào bất động sản
Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vẫn đang tìm kiếm cơ hội mua thêm nhà đất, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
“Trong 20 năm qua, nhiều người giàu lên nhờ bất động sản. Từng có thời điểm, nhiều người xuống tiền đầu tư và liên tục có lãi trong hàng chục thương vụ”, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, chia sẻ với Zing.
Theo vị này, người Việt Nam từ xưa đã có tâm lý tích lũy tài sản vào đất đai với suy nghĩ “nhất thổ, nhì kim”. Bởi vậy, khi kinh tế phát triển, thu nhập tăng, việc tìm kiếm đầu tư vào bất động sản, hoặc coi đây là kênh tích trữ tài sản vẫn được nhiều người ưa chuộng.
Thị trường trong “nguy” có “cơ”
Theo ông Điệp, lối suy nghĩ “đời cha mua đất, đời con xây nhà” đã khiến nhiều người coi bất động sản là một kênh cất giữ tiền an toàn và có thể truyền lại cho thế hệ sau. Đây cũng được đánh giá là khoản đầu tư có tính an toàn cao và tỷ lệ sinh lời lớn. Lối suy nghĩ này đã lặp đi lặp lại trong nhiều thế kỷ.
“Xu hướng trên càng được thể hiện rõ hơn trong giai đoạn hiện tại. Hiện có rất nhiều người đã xuống tiền mua bất động sản vì họ nhận thấy thị trường đang quay trở lại chu kỳ 2011-2013. Trong đó, nhà đất liền thổ vẫn là phân khúc được những người dư giả nhắm đến nhiều nhất”, ông Điệp đánh giá.

Rất nhiều người đã xuống tiền mua bất động sản vì họ nhận thấy thị trường đang quay trở lại chu kỳ 2011-2013
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội
Nhận định về tình hình phát triển tại các khu vực ở Hà Nội, ông Điệp cho rằng chỉ có vùng phía bắc vẫn còn kém hấp dẫn. Ngược lại, các khu vực khác, đặc biệt là phía đông và phía tây đều đã phát triển, kết cấu khung hạ tầng tốt, hệ thống giao thông hoàn thiện.
Ông Điệp cũng nhấn mạnh không thể căn cứ vào việc bất động sản có khả năng sinh lãi lớn để ngăn cản hoặc thực hiện các động thái khiến thị trường trì trệ.
“Giá bất động sản tăng do nhu cầu của xã hội nhảy vọt theo sự phát triển của quá trình đô thị hóa. Vì vậy, thay vì đưa ra các chế tài khó khăn, chúng ta cần minh bạch hóa, hoàn thiện các bộ khung pháp lý để từ đó tăng tính thanh khoản cho bất động sản và tạo ra thị trường lành mạnh”, ông Điệp chia sẻ.
Với các nhà đầu tư, ông cho rằng cần có chiến lược, tiềm lực tài chính và chuyên môn mới có thể tham gia vào thị trường lúc này. Hiện tại, cơ chế chính sách đã dần được hoàn chỉnh và việc đầu tư theo đám đông sẽ gặp rủi ro.
Theo một báo cáo mới đây của Batdongsan, người Việt vẫn có tâm lý đầu tư nhà đất để kiếm lời ngay cả trong giai đoạn thị trường đóng băng.
Cụ thể, 68% người tham gia khảo sát bày tỏ ý định mua bất động sản trong vòng một năm tới và đa phần mua với mục đích đầu tư. Điều này trái ngược với các quốc gia khác trong khu vực, khi người mua hướng đến nhu cầu ở thực nhiều hơn.
Đặc biệt, càng sở hữu nhiều bất động sản, nhà đầu tư càng sẵn sàng “xuống tiền” hơn. Có đến 87% người đã sở hữu 3 bất động sản trở lên ở Việt Nam muốn mua tiếp trong vòng một năm tới. Trong đó, các sản phẩm sơ cấp trong tầm giá 2,5-5 tỷ đồng thu hút lượng quan tâm lớn.
Lựa chọn ưu tiên của giới siêu giàu
Không chỉ tại Việt Nam, giới siêu giàu trên thế giới cũng mạnh tay chi tiền cho bất động sản, bất chấp những lo ngại liên quan đến nền kinh tế toàn cầu.
Theo Insider, Knight Frank gần đây đã công bố một báo cáo về danh mục đầu tư trong năm 2022 của giới siêu giàu (những người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên).
Số liệu cho thấy bất động sản được đầu tư nhiều nhất với tỷ lệ rót vốn lên tới 34%. Xếp sau là cổ phiếu (26%) và trái phiếu (17%). Trong khi đó, vàng chỉ chiếm 3% trong cơ cấu đầu tư.

Cũng theo báo cáo từ công ty này, việc nhu cầu bị dồn nén sau các đợt phong tỏa vì Covid-19 đã đẩy chi tiêu vào bất động sản của nhóm nhà đầu tư lên mức cao kỷ lục.
“Nhiều nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính đang tận dụng thời điểm các bất động sản bị định giá lại để mua với giá tốt. Xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì với những người đang muốn tìm kiếm một kênh cất giữ tài sản có tính thanh khoản cao”, ông Alex James, Giám đốc tư vấn khách hàng cá nhân của Knight Frank, cho biết.
Riêng tại Việt Nam, Báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank ước tính dân số siêu giàu sẽ tăng 26% trong giai đoạn 2021-2026. Mức tăng ngang ngửa với Hong Kong và Đài Loan, khiến công ty tư vấn bất động sản này càng tin vào tiềm năng tăng trưởng vượt bậc trong tương lai của Việt Nam.
Thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang được nhiều nhà đầu tư cá nhân từ nước ngoài chú ý. Đơn cử, Knight Frank ghi nhận Việt Nam là một trong năm điểm đến hàng đầu được giới siêu giàu Singapore lựa chọn để đầu tư bất động sản bởi tiềm năng lớn và giá cả phải chăng.
Chính những sức hút này, theo ông Thiện Dương, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng VPA, đã giúp Việt Nam “lọt vào mắt xanh” của các nhà phát triển bất động sản quốc tế, điển hình là Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, sự tham gia của nhóm doanh nghiệp ngoại đã góp phần tạo nên những tiêu chuẩn mới trên thị trường Việt Nam, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa phát triển với nhiều sản phẩm bất động sản chất lượng quốc tế.
“Việt Nam là một trong những thị trường bất động sản hàng đầu châu Á. Đây là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực và thị trường bất động sản còn nhiều dư địa tăng trưởng”, ông Jules Kay, Tổng giám đốc Giải thưởng VPA nhấn mạnh.
Theo Zingnews