Mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh – CEO đơn vị vận hành hãng taxi điện Xanh SM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã đăng bài tuyển dụng vị trí Giám Đốc Phát Triển/Vận Hành thị trường nước ngoài trên trang cá nhân.
Theo đó, ông Thanh cho biết, Việt Nam cũng như toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ là thị trường tăng trưởng nóng của taxi điện, do tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân số tại các đô thị lớn.
“Đây thực tế đang là một trong những kế hoạch của chúng tôi năm nay, thật vui khi chúng ta đi du lịch tới các nước bạn và di chuyển trên chính chiếc xe của người Việt, của một thương hiệu Việt phải không ? Khoan bàn đến việc thị trường cạnh tranh khốc liệt như thế nào, việc một hãng taxi nội địa có mặt tại các thị trường khác đã là một việc xưa nay hiếm rồi, nhưng đầy thử thách và đáng để làm”, ông chia sẻ.
Tại thị trường trong nước, Taxi xanh GSM đã chính thức vận hành tại Hà Nội và TP.HCM. Mục tiêu của hãng là phủ sóng ít nhất 5 tỉnh thành phố trên cả nước, và đưa ra thị trường ít nhất khoảng 10.000 xe taxi điện.
Đáng chú ý, sau khi chính thức đi vào hoạt động, taxi Xanh SM của công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Green – Smart – Mobility) hay còn được gọi là taxi điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tạo nên “cơn sốt” lớn trong ngành kinh doanh dịch vụ taxi công nghệ và nhận về hàng loạt phản hồi tích cực về chất lượng dịch vụ cho thấy sự ủng hộ lớn của người tiêu dùng đối với loại hình taxi điện lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Trong động thái gần đây nhất, hãng đã đăng tải tuyển dụng tài xế tại Nha Trang, tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động của GSM tại thị trường Việt.
Cụ thể, Taxi Xanh SM tuyển dụng tài xế với tiêu chí chung như sở hữu bằng lái xe B2 trở lên, trong độ tuổi từ 22-45 tuổi, sinh sống tại TP Nha Trang, không có hình xăm lộ. Ngoài ra, các ứng viên sẽ được ưu tiên khi có lý lịch tư pháp rõ ràng, có kinh nghiệm lái xe ở các hãng xe công nghệ, taxi truyền thống, lái xe hợp đồng trên 1 năm, có sức khỏe tốt và sẵn sàng đi làm ngay.
Gia nhập đội ngũ Tài xế Taxi Xanh SM – GSM tại khu vực TP Nha Trang, các lái xe có quyền lợi công việc khá hấp dẫn, cạnh tranh như: lương cứng 7 triệu đồng, 2 triệu đồng thưởng dựa trên chất lượng công việc, 2 triệu đồng hỗ trợ thời gian đầu, tối đa 6 tháng, Bên cạnh đó, tài xế sẽ được hưởng tới 25% hoa hồng dựa trên tổng doanh thu hàng tháng.
Các tài xế cũng được tham gia BHXH, khám sức khỏe định kỳ hàng năm tại Vinmec, được đào tạo bài bản về ngành dịch vụ vận tải, tư vấn lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng…
Taxi Xanh GSM là hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ vận tải hành khách hoàn toàn bằng xe ô tô điện VinFast.
Đây là thế hệ taxi không mùi xăng dầu, không tiếng ồn động cơ, tốt cho sức khỏe người dùng và bảo vệ môi trường, đồng thời được trang bị nhiều tính năng giải trí thông minh, giúp người dùng có trải nghiệm thú vị trên mỗi hành trình.
VinFast được tài trợ 2,5 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng từ nguồn tài sản cá nhân
Tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng vừa ký thỏa thuận cam kết tài trợ cho Công ty Cổ phần VinFast. Cụ thể trong vòng một năm tới, ông Vượng sẽ hiến tặng 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân. Bên cạnh đó, Tập đoàn Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD cũng như cho công ty sản xuất xe vay 1 tỷ USD với thời hạn tối đa 5 năm.
Với tổng ngân sách tài trợ lên đến 2,5 tỷ USD, VinFast sẽ được bổ sung nguồn lực tài chính để tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Theo Vingroup, Tập đoàn và cá nhân ông Vượng sẽ tạo điều kiện cho VinFast tăng tốc, nhanh chóng đạt được các mục tiêu tăng trưởng trên quy mô toàn cầu.
“Tiềm năng tăng trưởng của VinFast đã được minh chứng trong 5 năm qua. Và đây là giai đoạn bản lề để VinFast có thể bứt tốc hẳn lên, chiếm lĩnh vị trí cạnh tranh trên thị trường ôtô điện thế giới. Là tập đoàn mẹ của VinFast, chúng tôi phải có trách nhiệm đóng góp vào công cuộc này”, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vingroup, cho biết.
Đại diện của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cũng cho biết việc xây dựng thương hiệu quốc gia có khả năng cạnh tranh ở tầm quốc tế đối mặt nhiều khó khăn và đòi hỏi sự hy sinh lợi ích trước mắt.
“Ông Phạm Nhật Vượng hiểu rất rõ điều này và sẵn sàng hiến tặng một phần tài sản cá nhân để tiếp sức cho VinFast trong giai đoạn tăng tốc bản lề nhằm ghi bằng được dấu ấn Việt Nam trên thị trường xe điện thế giới. Bên cạnh đó, sự thành công của VinFast sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp, công nghệ Việt Nam phát triển, đồng thời tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi xanh trên toàn cầu”, vị này cho biết.
VinFast là công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup, được thành lập năm 2017 chuyên sản xuất và kinh doanh ôtô, xe máy điện và chuyển hẳn sang thuần điện từ năm 2022.
Đến nay, VinFast đã ra mắt thị trường 6 mẫu ôtô điện phủ đủ các phân khúc phổ thông A, B, C, D, E; một mẫu xe buýt điện và 9 dòng xe máy điện, đồng thời xuất khẩu ra thị trường nước ngoài gần 3.000 ôtô điện.
Tại các thị trường quốc tế, sau lô xe thứ 2 xuất khẩu sang Mỹ và Canada vào tháng 4/2023, dự kiến xe VinFast cũng sẽ hiện diện tại Pháp, Đức, Hà Lan trong năm nay.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng sắp sang tay lượng cổ phiếu 2850 tỷ để đầu tư cho công ty thuê xe điện VinFast
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng sẽ chuyển đổi lượng cổ phiếu VIC thành vốn góp 95% trong công ty về cho thuê xe VinFast, tương đương giá trị 2.850 tỷ đồng.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (Mã chứng khoán: VIC) vừa đăng ký chuyển nhượng 50,7 triệu cổ phiếu VIC, tương đương với 1,31% vốn tập đoàn.
Loại giao dịch là chuyển quyền sở hữu do ông Phạm Nhật Vượng góp vốn bằng cổ phiếu VIC vào CTCP Di chuyển xanh và Thông minh GSM (GSM JSC). Thời gian thực hiện từ ngày 21/3 đến 19/4.
Chủ tịch Vingroup đang sở hữu 19,18% vốn điều lệ tại doanh nghiệp nhà, tương ứng hơn 742 triệu cổ phiếu VIC. Sau thương vụ này, lượng cổ phiếu nắm giữ của ông sẽ giảm xuống khoảng 691 triệu đơn vị, tương ứng 17,87% vốn.
Giá trị giao dịch tính theo mệnh giá là 507 tỷ đồng. Giá trị tính theo giá cổ phiếu bình quân trong 50 phiên giao dịch liên tiếp tính đến 27/2 là 2.850 tỷ đồng.
Như vậy, ông Vượng sẽ chấp nhận giảm một phần tỷ lệ sở hữu tại Vingroup để có thể góp 2.850 tỷ đồng vào công ty mới GSM, tương đương với nắm giữ 95% vốn điều lệ GSM (3.000 tỷ đồng).
Trước đó vào hôm 6/3, tỷ phú giàu nhất Việt Nam công bố quyết định thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Green – Smart – Mobility), chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast.
Đây là mô hình dịch vụ vận tải phức hợp xanh lần đầu tiên được triển khai trên thế giới nhằm phổ cập trải nghiệm di chuyển điện hóa, qua đó thúc đẩy lối sống xanh bền vững cho cộng đồng.
GSM sẽ cho các hãng dịch vụ vận chuyển như taxi, xe ôm công nghệ và nhân viên của họ thuê ôtô, xe máy điện để chở khách; đồng thời cũng tự vận hành dịch vụ taxi bằng ôtô điện.
Theo kế hoạch, hãng taxi thuần điện do GSM thành lập đi vào hoạt động trong tháng tới tại Hà Nội, tiến tới phủ sóng toàn quốc năm 2023.
Toàn bộ xe do GSM cung cấp và sử dụng là ôtô và xe máy điện VinFast, với quy mô đầu tư là 10.000 ôtô và 100.000 xe máy.
Mục tiêu của GSM là phổ cập thói quen sử dụng xe điện tới người dân, qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về sự tiện lợi, thông minh và bền vững của các dòng xe xanh.
Đây không phải lần đầu tiên ông Vượng phải góp vốn bằng cổ phần. Hồi tháng 11/2022, vị tỷ phú cũng từng chuyển nhượng hơn 243 triệu cổ phiếu VIC cho CTCP Quản lý và đầu tư Bất động sản VMI – VMI JSC.
Xem thêm bài liên quan
- Tuyển người thích cực, thích áp lực, CEO 9X công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Bài học rút ra sau 4 năm làm Vingroup là đừng lựa chọn An Nhàn khi còn trẻ
- Từ 100 đến 20.000 Taxi điện: Nhìn lại những cột mốc ghi dấu ấn cho tốc độ tăng trưởng “Thần tốc” của xu hướng dịch chuyển Taxi “bỏ xăng sang điện” tại Việt Nam
- Tiến vào thị trường gọi xe công nghệ, ô tô, xe máy điện VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng phải đối mặt những gì?