Shark Thủy đã giải trình lý do cổ phiếu giảm sàn liên tục, đồng thời cũng gửi lời xin lỗi phụ huynh, nhà đầu tư, cán bộ nhân viên và hứa sẽ tìm đối tác, quỹ đầu tư, để đồng hành cùng hồi phục và phát triển.
Thị trường trong nước mở cửa khá tốt trong phiên sáng. Tuy nhiên, sau liên tiếp những nhịp giằng co, cổ phiếu dẫn dắt suy yếu, VN-Index thu hẹp dần đà tăng. Gần như toàn bộ thời gian giao dịch của phiên chiều, chỉ số chính chỉ quanh mốc tham chiếu. Đóng cửa, VN-Index tăng gần 3 điểm.
Bộ 3 cổ phiếu “bank – chứng – thép” tiếp tục phát huy sức mạnh, dù phải cân bằng lại áp lực từ các mã lớn của rổ VN30. VN30-Index lui về giá đỏ, lượng cổ phiếu tăng – giảm giá cân bằng, đều ở con số 13. Tác động tiêu cực nhất đến chỉ số là VIC, MSN, CTG, VNM, FPT…
Ở chiều ngược lại, GAS, VCB, EIB, GVR… dẫn dắt thị trường. Dù thu hẹp đáng kể đà tăng về cuối phiên,, nhưng nhóm ngân hàng vẫn có giao dịch đáng chú ý, khi EIB tăng sát giá trần, lên 27.200 đồng/cổ phiếu; STB, MSB, VCB, MBB… cùng tăng giá.
Cổ phiếu chứng khoán ghi nhận sắc xanh áp đảo, đáng chú ý là bộ đôi TVB, TVC tăng mạnh trở lại sau phiên lao đao trước tin Chủ tịch bị bắt vì thao túng chứng khoán. TVC tăng 6,2% lên 5.100 đồng/cổ phiếu. TVB tăng 3,9% lên 4.500 đồng/cổ phiếu.
Cũng lao đao vì tin xấu, cổ phiếu IBC (Apax Holdings) của Shark Thủy giảm sàn 16 phiên liên tiếp, trắng bên mua. Từ phiên 23/11 đến nay, IBC giảm hơn 68%. Kết thúc phiên hôm nay, IBC về dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản mất hút, thậm chí công ty chứng khoán không thể tiến hành giải chấp cổ phiếu.
Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán IBC) vừa có công văn gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM giải trình về các thông tin trên báo chí.
Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), Chủ tịch HĐQT Công ty Apax Holdings, cho rằng dịch COVID-19 diễn ra khiến các kế hoạch ban đầu của Apax Leaders (hệ thống trường anh ngữ thuộc Apax Holding) bị thay đổi.
Apax Leaders đã có chương trình học miễn phí online trong hơn 6 tháng không chỉ dành cho tất cả học sinh, mỗi tháng chi phí hoạt động của chuỗi là khoảng hơn 100 tỉ đồng, doanh nghiệp tổn thất gần 1.000 tỉ đồng.
Đồng thời, Apax Leaders phải đầu tư duy trì song song 2 hệ thống online và offline, Apax bắt buộc phải đầu tư nền tảng công nghệ với chi phi lớn, lên đến vài triệu USD…
Shark Thủy cũng khẳng định thông tin cho rằng ông định cư châu Âu là không chính xác. Hiện ông vẫn ở Việt Nam nỗ lực khắc phục tình hình kinh doanh công ty. Apax Holding là đơn vị thành viên của Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup.
Vì vậy, với những thông tin tiêu cực vừa qua trên truyền thông có ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu của Apax Holding… Đồng thời, cũng ảnh hưởng tới công tác quan hệ cổ đông khiến giá cổ phiếu IBC trên sàn giảm mạnh liên tục.
Còn việc nhiều phụ huynh lo lắng vì đã đóng tiền nhưng không được cung cấp dịch vụ như cam kết, ông Thủy thừa nhận: “Chúng tôi xin lỗi các bậc phụ huynh về việc này. Với nguồn lực tài chính hiện nay, chúng tôi muốn dồn tập trung cho việc tái cơ cấu, để mở lại các hoạt động trung tâm chậm nhất hết tháng 3-2023. Chúng tôi sẽ mở cửa tất cả các trung tâm và nâng cấp giải pháp học tập như trước dịch hoặc tốt hơn trước dịch. Quan trọng nhất là làm sao để đưa hệ thống Apex Leaders sớm hoạt động ổn định chất lượng trở lại”.
Về việc nợ lương nhân viên, Shark Thủy cho biết: “Đến lúc không thể thực hiện chi trả các khoản chi phí, đặc biệt là đến vấn đề tiền lương, đến cuộc sống của cán bộ nhân viên. Đây là điều hết sức đau xót. Tôi mong cán bộ, nhân viên, những người đang làm việc và đã nghỉ việc cho tôi gửi lời xin lỗi. Chúng tôi đang nỗ lực để sớm vượt qua khủng hoảng khó khăn. Cá nhân tôi và lãnh đạo công ty sẽ hoàn trả tất cả những khoản thu nhập và lương của mọi người”.
Bên cạnh đó, Shark Thủy cũng hứa sẽ tìm đối tác, quỹ đầu tư để đồng hành cùng, hồi phục và phát triển…
Phiên giao dịch 14-12, cổ phiếu IBC của Công ty Apax Holdings đã giảm sàn 16 phiên liên tiếp, giá cổ phiếu chỉ còn 4.940 đồng, giảm 74% từ đầu tháng 11 đến nay và giảm đến 245% từ đầu năm 2022.
Mới đây, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset cũng muốn bán giải chấp 300.000 cổ phiếu IBC thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Egroup – Công ty mẹ của IBC trong khoảng 25-11 đến 9-12 vừa qua, nhưng không thể khớp lệnh vì không có người mua.
Cuối tháng 9, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã SHS) cũng thông báo bán giải chấp 2,5 triệu cổ phiếu IBC của Apax Holdings đang được sở hữu bởi ông Nguyễn Ngọc Thủy. Thời gian dự kiến bán giải chấp cổ phiếu IBC từ 28-9 đến 31-12-2022.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,98 điểm (0,28%) lên 1.050,43 điểm. HNX-Index giảm 0,38 điểm (0,18%) xuống 213,21 điểm. UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (0,38%) lên 72,11 điểm.
Thanh khoản tương đương phiên trước, giá trị khớp lệnh HoSE gần 11.500 tỷ đồng. Khối ngoại thu hẹp mua ròng, giá trị chỉ còn hơn 27 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh VNM (124 tỷ đồng), HPG (45 tỷ đồng), SSI (30 tỷ đồng)…
Shark Thủy là ai?
Shark Thủy tên thật là Nguyễn Ngọc Thủy (sinh ngày 17/4/1982). Anh là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax. Đồng thời là founder kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup.
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng phương pháp giáo dục trên cơ sở công nghệ hiện đại cho Việt Nam.
Shark Thủy đã thành công trong việc xây dựng Egroup như một hệ sinh thái giáo dục. Tạo ra liên kết và hợp tác giữa Việt Nam với các tập đoàn lớn nước ngoài như SK Telecom, Yakson Myungga, Chungdahm Learning, Culture 21, Franklin Learning Center (Mỹ), MegaNext,…
Shark Thủy khác biệt với 4 “cá mập” của Shark Tank Việt Nam. Anh là người duy nhất chưa tốt nghiệp đại học.
Năm 2017, shark Thủy được Enterprise Asia bình chọn là 1 trong 14 doanh nhân xuất sắc tại Việt Nam. Anh được trao tặng giải thưởng Doanh nhân châu Á – Thái Bình Dương (APEA).
Sự nghiệp của Shark Thủy
Shark Thủy bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp từ trung tâm luyện thi đại học. Anh cũng không ít lần thất bại với dự án cung cấp người giúp việc hay công ty buôn bán thiết bị máy tính.
Năm 2008, Nguyễn Ngọc Thủy quyết định thành lập công ty Egame – sau này là tập đoàn Egroup. Cho đến nay, Egroup đã tồn tại và phát triển được gần 10 năm. Shark Thủy đã xây dựng được một “hệ sinh thái giáo dục” Egroup với chuỗi 12 công ty con chuyên phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục và sức khoẻ.
Egroup đang cung cấp cho thị trường các giải pháp giáo dục từ chương trình mầm non đến bậc trung học phổ thông. Shark Thủy đã khởi tạo rất nhiều dự án giáo dục dưới nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới. Có thể nhắc tới là chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax (Apax English) với sự hợp tác cùng Chungdahm Learning, Hàn Quốc.
Tham khảo Người Lao Động, Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Cổ phiếu Vingroup tăng kịch trần sau tin VinFast IPO trên sàn chứng khoán Mỹ: Vốn hóa tăng thêm 17.000 tỷ
- Chuyên gia đầu tư khuyên giới trẻ: Nên ngừng đổ tiền vào iPhone và trà sữa, hãy mua cổ phiếu vì cơ hội tại Việt Nam đang quá lớn
- Tập đoàn FLC lên tiếng khi cổ phiếu bị hủy niêm yết, xin HoSE xem xét lại vì hoàn cảnh “bất khả kháng”