Nhà khoa học trưởng của OpenAI, Ilya Sutskever, được xem là nhân vật trung tâm tác động đến việc phế truất CEO Sam Altman.
Ngày 17/11 (sáng 18/11 giờ Hà Nội), Sam Altman bị OpenAI sa thải thông qua cuộc họp trên nền tảng Google Meet, trong khi chủ tịch Greg Brockman cũng bị loại khỏi hội đồng quản trị.
Theo nguồn tin nội bộ, lý do của quyết định chóng vánh này là Altman đang dẫn dắt OpenAI chệch khỏi sứ mệnh ban đầu của một tổ chức phi lợi nhuận. Dù cần nguồn tài chính lớn để vận hành các mô hình ngôn ngữ lớn, ông không tìm được tiếng nói chung với ban quản trị về tốc độ phát triển AI tổng quát (AGI), cách thương mại hóa sản phẩm và các bước cần thiết để giảm tác hại tiềm tàng của AI.
Người đứng sau quyết định sa thải CEO được cho là Ilya Sutskever, nhà đồng sáng lập kiêm nhà khoa học trưởng của OpenAI.
Sutskever sinh năm 1985 ở Nga nhưng lớn lên tại Israel từ năm 5 tuổi. Ông theo học Đại học Mở Israel giai đoạn 2000-2002, sau đó chuyển đến Đại học Toronto (Canada), lấy bằng cử nhân toán học năm 2005, bằng thạc sĩ năm 2007 và tiến sĩ về khoa học máy tính bốn năm sau đó.
Một trong những người thầy dạy Sutskever là Geoffrey Hinton, người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và được gọi là “cha đỡ đầu của AI”. Sutskever là một trong hai học trò xuất sắc của Hinton bên cạnh Alex Krizhevsky. Bộ ba tạo ra AlexNet năm 2012 – mạng lưới thần kinh nhân tạo có khả năng tự học dựa trên dữ liệu, ứng dụng trong nhận dạng ảnh, video, gợi ý nội dung, phân loại hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và các xử lý trong giao diện não – máy tính (BCI).
Cùng năm 2012, Sutskever dành hai tháng tham gia dự án nhỏ tại Đại học Stanford, sau đó gia nhập công ty nghiên cứu DNNResearch của giáo sư Hinton. Tháng 3/2013, Google ấn tượng với AlexNet nên mua lại DNNResearch và mời Sutskever làm nhà khoa học nghiên cứu tại Google Brain. Tại đây, ông cùng với hai nhân vật nổi tiếng khác là Oriol Vinyals và Quoc Viet Le tạo ra thuật toán trình tự Seq2seq dùng để xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Với thành tích đặc biệt, Sutskever nhanh chóng thu hút sự chú ý của một người có quyền lực khác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo: Elon Musk. Tỷ phú Mỹ từ lâu đã cảnh báo về mối nguy tiềm tàng AI có thể gây ra cho nhân loại. Musk cũng nhiều lần chỉ trích nhà đồng sáng lập Google Larry Page vì không quan tâm đến sự an toàn AI, đặc biệt sau khi Google mua lại DeepMind năm 2014.
Nhận lời Musk, Sutskever rời Google năm 2015 để trở thành nhà đồng sáng lập OpenAI – một tổ chức phi lợi nhuận được Musk hình dung sẽ trở thành đối trọng với Google trên mặt trận AI.
“Đó là một trong những cuộc chiến tuyển dụng khó nhất tôi từng trải qua, nhưng là mấu chốt giúp OpenAI thành công”, Musk kể trong chương trình Lex Fridman Podcast đầu tháng 11 khi nhắc đến Ilya Sutskever. Tỷ phú gốc Nam Phi nhận xét đồng nghiệp cũ không những thông minh mà còn là “con người tốt, ý tưởng tốt và trái tim tốt”.
Sam Altman cũng đánh giá rất cao Sutskever. “Tôi nhớ Sam gọi Ilya là một trong những nhà nghiên cứu được kính trọng nhất trên thế giới”, Dalton Caldwell, CEO quỹ ươm mầm khởi nghiệp Y Combinator, nói với MIT Technology Review. “Sam xem Ilya là nhân tố có thể thu hút được nhiều tài năng AI. Sẽ khó tìm được ứng cử viên nào ngoài Ilya có thể trở thành nhà khoa học hàng đầu của OpenAI”.
Tại OpenAI, Sutskever đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển mô hình ngôn ngữ lớn, như GPT-2, GPT-3 và mô hình chuyển văn bản thành ảnh Dall-E. Trong phỏng vấn hiếm hoi với Technology Review tháng trước, Sutskever nói, với sự phấn khích của cộng đồng thời gian qua, ChatGPT đã đem đến cái nhìn thoáng qua về những gì có thể diễn ra trong tương lai, dù hiện tại các mô hình vẫn gây thất vọng với kết quả trả về.
Những tháng gần đây, ông tập trung hơn vào mối nguy hiểm tiềm ẩn của AI, đặc biệt khi mô hình trí tuệ nhân tạo vượt xa con người có thể xuất hiện – điều ông tin sẽ xảy ra trong vòng 10 năm tới. “Rõ ràng, điều quan trọng là đảm bảo bất kỳ siêu trí tuệ nào do bất kỳ ai xây dựng đều không mang tính chất lừa đảo”, ông nói.
Vào tháng 7, ông thành lập một nhóm mới tại công ty để kiểm soát AI “siêu trí tuệ” trong tương lai. Khi đó, ông cho biết hệ thống “siêu trí tuệ” có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của thế giới, nhưng cũng rất nguy hiểm, “có thể dẫn đến sự mất quyền lực, thậm chí sự tuyệt chủng của loài người”.
Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng việc lật đổ CEO và chủ tịch OpenAI chủ yếu liên quan đến vấn đề an toàn AI. Sutskever không đồng ý với Altman về tốc độ thương mại hóa các sản phẩm AI. Việc loại bỏ những lãnh đạo đi theo xu hướng vì lợi nhuận là “bước cần thiết để giảm thiểu tác hại tiềm ẩn cho công chúng”.
Các thành viên hội đồng quản trị OpenAI, đứng đầu là Sutskever, cũng tranh cãi gay gắt về tham vọng kinh doanh của Altman trước khi đi đến quyết định cách chức ông. Nắm trong tay quyền điều hành, Altman đã tìm cách huy động hàng chục tỷ USD từ các quỹ ở Trung Đông với mục tiêu tạo một công ty khởi nghiệp về chip AI cạnh tranh với Nvidia. Ông cũng gặp Chủ tịch SoftBank Masayoshi Son để thuyết phục đầu tư hàng tỷ USD vào dự án thiết bị AI sắp thành lập với sự hợp tác của cựu giám đốc thiết kế Apple Jony Ive.
“Sutskever và những người cùng quan điểm trong hội đồng quản trị phản đối cách Altman dùng tên tuổi của OpenAI để gây quỹ. Họ lo ngại doanh nghiệp mới có thể không chia sẻ mô hình hoạt động giống OpenAI”, một nguồn tin cho biết.
Khi xuất hiện trên truyền thông, Sutskever thường nhấn mạnh tiềm năng lớn của AI, cả về mặt tốt và mặt xấu. “AI là điều tuyệt vời. Nó sẽ giải quyết các vấn đề mà chúng ta gặp phải ngày nay, như tình trạng thất nghiệp, bệnh tật, nghèo đói”, ông nói với Guardian đầu tháng 11. “Nhưng AI cũng tạo ra những vấn đề mới: tin giả sẽ tồi tệ hơn gấp triệu lần, các cuộc tấn công mạng trở nên cực đoan hơn. Chúng ta sẽ có vũ khí AI hoàn toàn tự động”.
Sau khi sa thải CEO, OpenAI đã tổ chức cuộc họp nội bộ, theo The Infomartion. Trong cuộc họp đó, ít nhất hai nhân viên hỏi Sutskever rằng liệu đây có phải một “cuộc đảo chính” hay “sự tiếp quản thù địch”.
“Anh có thể gọi theo cách đó”, Sutskever trả lời, nhắc đến từ đảo chính. “Tôi có thể hiểu tại sao mọi người dùng từ này, nhưng tôi không đồng ý. Chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ với sứ mệnh của một tổ chức phi lợi nhuận, đó là đảm bảo OpenAI xây dựng AGI có lợi cho toàn nhân loại”.
Nguồn cơn khiến OpenAI phế truất CEO
Sam Altman được cho là bị sa thải đột ngột sau những bất hòa nội bộ với Ilya Sutskever, nhà khoa học trưởng của OpenAI.
Dẫn nguồn tin nội bộ, The Infomartion cho biết OpenAI đã tổ chức cuộc họp nội bộ ngay sau khi thông báo sa thải CEO Sam Altman và loại chủ tịch Greg Brockman khỏi hội đồng quản trị. Cuộc họp đề cập đến xung đột về mục tiêu đối với AI và những bất đồng về định hướng phát triển đã in sâu vào tâm trí nhiều nhân viên từ lâu. Ilya Sutskever, người đồng sáng lập OpenAI, thành viên hội đồng quản trị và nhà khoa học trưởng – người chịu trách nhiệm hạn chế tác hại xã hội mà AI có thể gây ra, đã nhận rất nhiều câu hỏi.
Theo bản ghi cuộc họp, ít nhất hai nhân viên hỏi Sutskever rằng liệu đây có phải một “cuộc đảo chính” hay “sự tiếp quản thù địch”. Họ ngụ ý rằng Sutskever cảm thấy Altman đang muốn thương mại hóa OpenAI quá nhanh, gây ra lo ngại về sự an toàn.
“Anh có thể gọi theo cách đó”, Sutskever trả lời, nhắc đến từ đảo chính. “Tôi có thể hiểu tại sao mọi người dùng từ này, nhưng tôi không đồng ý. Chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ với sứ mệnh của một tổ chức phi lợi nhuận, đó là đảm bảo OpenAI xây dựng AI tổng quát (AGI) có lợi cho toàn nhân loại”.
Một người khác hỏi liệu việc loại đi những cá nhân ủng hộ thương mại hóa có phải cách tốt để điều hành một công ty có tầm quan trọng thế giới hay không, Sutskever đáp rằng ông đồng ý, dù ý tưởng đó “không hoàn toàn đúng 100%”.
Xung đột nội bộ
Trước khi bị sa thải, Altman vẫn gửi email thường xuyên tới nhân viên với tư cách là CEO. Ông thậm chí mới xuất hiện tại sự kiện về AI ngày 17/11 ở San Francisco. Đầu tháng 11, ông chủ trì sự kiện DevDay của OpenAI. Tuy nhiên, nội bộ không yên bình như thế.
Một số nguồn tin nói với National Post rằng Altman đã xung đột với các thành viên hội đồng quản trị, đặc biệt là Sutskever, từ trước đó. Vấn đề gây tranh cãi chủ yếu về tốc độ phát triển AGI, cách thức thương mại hóa sản phẩm và các bước cần thiết để giảm tác hại tiềm tàng của AI với nhân loại.
Thực tế, cộng đồng AI từ lâu cũng đã bất đồng về vấn đề AI phát triển quá nhanh có thể gây mất kiểm soát. Nhiều ý kiến cho rằng công nghệ này sẽ tạo ra mối đe dọa cho con người nếu không có “công tắc” ngăn chặn, trong khi số khác nói kìm hãm AI mới là điều khiến nhân loại không thể tiếp cận những ưu việt mà trí tuệ nhân tạo mang lại, như trong việc khám chữa bệnh hay thúc đẩy nghiên cứu thuốc mới. Bất đồng cũng được cho là lý do Elon Musk, một thành viên sáng lập OpenAI, rời công ty năm 2018.
Bên cạnh mâu thuẫn về định hướng, nguồn tin cho biết các thành viên hội đồng quản trị OpenAI cũng đã tranh cãi gay gắt về tham vọng kinh doanh của Altman trước khi đi đến quyết định sa thải ông. Với quyền điều hành, Altman đang tìm cách huy động hàng chục tỷ USD từ các quỹ ở Trung Đông với mục tiêu tạo một công ty khởi nghiệp về chip AI cạnh tranh với Nvidia. Ông cũng gặp Chủ tịch SoftBank Masayoshi Son để thuyết phục đầu tư hàng tỷ USD vào một công ty thiết bị AI sắp thành lập với sự hợp tác của cựu giám đốc thiết kế Apple Jony Ive.
“Sutskever và những người cùng quan điểm trong hội đồng quản trị phản đối cách Altman dùng tên tuổi của OpenAI để gây quỹ. Họ cũng lo ngại doanh nghiệp mới có thể không chia sẻ mô hình quản trị giống như OpenAI”, một nguồn tin cho biết.
Mối lo ngại mất kiểm soát AI đã được Sutskever thể hiện rõ trong những tháng gần đây. Vào tháng 7, ông thành lập một nhóm mới tại công ty để kiểm soát các hệ thống AI “siêu trí tuệ” trong tương lai. Trước khi gia nhập OpenAI, nhà khoa học máy tính người Canada gốc Israel này làm tại Google Brain và là nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford.
Việc Sutskever “quyết đấu” còn được cho là liên quan đến việc Altman và Brockman chèn ép ông. Tháng trước, cả hai tìm cách giảm tầm ảnh hưởng của nhà khoa học trưởng của OpenAI, khiến ông phải nêu vấn đề này lên hội đồng quản trị. Một số thành viên ủng hộ ông, gồm Helen Toner, hiện là giám đốc chiến lược tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Georgetown.
Nhà báo công nghệ Mỹ Kara Swisher của New York Times cho biết Sutskever là người đóng vai trò và có sức ảnh hưởng lớn nhất trong quá trình sa thải CEO và chủ tịch.
“Thêm tin sốt dẻo: các nguồn tin cho tôi biết nhà khoa học trưởng Ilya Sutskever là trung tâm của vấn đề. Căng thẳng ngày càng gia tăng với Sam Altman và Greg Brockman về vai trò và sức ảnh hưởng. Hội đồng quản trị đã nghiêng về phía ông ấy”, Swisher viết trên X ngày 18/11. “Rõ ràng Microsoft cũng bị che mắt và không phát hiện ra cho đến khi mọi thứ được công bố”.
Ngoài ra, Swisher cũng nói Altman sẽ sớm công bố công ty AI mới vào ngày 20/11. Trong khi đó, dưới sức ép của các nhà đầu tư và sự hỗn loạn nội bộ, hội đồng quản trị OpenAI đang phải đàm phán với Sam Altman để đưa ông trở lại vị trí CEO, nhưng ông còn đang cân nhắc.
Elon Musk: Công chúng cần biết lý do sa thải CEO OpenAI
Ba ngày sau khi Sam Altman bị sa thải, Elon Musk, một trong những người sáng lập OpenAI, lần đầu lên tiếng qua bài chia sẻ trên X.
“Với rủi ro và sức mạnh của AI tiên tiến, công chúng cần biết tại sao ban quản trị cảm thấy họ phải hành động quyết liệt như thế”, ông viết ngày 20/11.
Ý kiến được Musk đưa ra kèm bài đăng của doanh nhân David Sacks. Người này cho rằng OpenAI nên “ngừng mọi trò tai quái”, bằng cách chuyển đổi tổ chức phi lợi nhuận của mình thành một đơn vị khác, đồng thời nên trả cổ phần cho Musk do ông đã đầu tư 40 triệu USD đầu tiên vào đây. “Sam Altman nên trở lại công việc của mình. Hội đồng quản trị cần được thay thế bằng những người sáng lập và nhà đầu tư có kinh nghiệm”, người này nói.
Trước đó, OpenAI thông báo Altman sẽ rời vị trí do “hội đồng quản trị không còn tin tưởng khả năng tiếp tục dẫn dắt OpenAI” của ông. “Sau một quá trình xem xét có chủ ý, trong đó kết luận ông không nhất quán và thẳng thắn trong giao tiếp với hội đồng quản trị, cản trở khả năng thực hiện trách nhiệm của mình”, thông báo nêu.
Musk là một trong những người đồng sáng lập OpenAI vào năm 2015 cùng Sam Altman và một số chuyên gia khác với mong muốn xây dựng một tổ chức phi lợi nhuận về trí tuệ nhân tạo, nhằm chuẩn bị và chống lại sự đe dọa của AI với nhân loại.
Ông sau đó rời công ty năm 2018 với lý do “xung đột lợi ích với Tesla”. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự được cho là Musk từng muốn giữ vai trò điều hành OpenAI, nhưng vị trí này thuộc về Sam Altman.
Tỷ phú công nghệ gốc Nam Phi cũng nhiều lần cảnh báo về các mối đe dọa AI có thể mang lại, trong đó có việc chúng có thể phát triển đến mức không thể kiểm soát, hay sẽ chiếm việc của con người. Khi ChatGPT của OpenAI ra mắt và gây sốt toàn cầu vào cuối 2022, Musk chỉ trích công ty này cũng như CEO khi đó vì đi ngược lại mục đích ban đầu. Mới đây, công ty xAI do Musk sáng lập cũng ra mắt một AI tạo sinh có tên Grok, sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn được cho là tiên tiến hơn GPT-3.5 của ChatGPT, và đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Quan điểm của Musk được cho là theo hướng đồng tình với ban quản trị của OpenAI hiện tại. Trang The Infomartion dẫn nguồn tin từ cuộc họp nội bộ của công ty cho biết, nguồn cơn của việc phế truất CEO là do xung đột trong quan điểm phát triển, khi Altman liên tục thúc đẩy các sản phẩm ra thương mại hóa và đi gọi vốn hàng chục tỷ USD, trong khi một số nhà khoa học trong ban quản trị muốn giữ hướng đi ban đầu của dự án.
“Chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ với sứ mệnh của một tổ chức phi lợi nhuận, đó là đảm bảo OpenAI xây dựng AI tổng quát (AGI) có lợi cho toàn nhân loại”, Ilya Sutskever, nhà khoa học trưởng, được cho là đóng vai trò chính trong quyết định sa thải Sam Altman, nói.
Theo Vnexpress
Xem thêm bài liên quan
- Sam Altman, Founder kiêm CEO của OpenAI, “Cha đẻ” siêu AI ChatGPT chính thức bị ban điều hành đuổi việc
- CEO OpenAI Sam Altman xác nhận tạm dừng phát triển ChatGPT do lo ngại các nguy cơ có thể xảy ra cho xã hội và nhân loại
- Mối quan hệ bí mật giữa Elon Musk và OpenAI và lý do ông không còn kiểm soát “AI thông minh nhất” ChatGPT nữa dù từng là nhà đầu tư lớn nhất