Với hợp tác này cùng Dat Bike, Gojek trở thành hãng gọi xe công nghệ đầu tiên tại Việt Nam triển khai vận chuyển hành khách bằng xe máy điện.
Bắt nhịp xu thế chuyển động của nhiều quốc gia châu Á, hình thức giao hàng, đón khách bằng xe máy điện đang trở thành lựa chọn mới lạ đón đầu xu hướng sống xanh.
Ngày 18/5, thương hiệu xe máy điện Dat Bike của Việt Nam công bố hợp tác với nền tảng công nghệ đa dịch vụ Gojek thí điểm sử dụng xe máy điện đáp ứng nhu cầu di chuyển và giao hàng, đồ ăn của người dùng Gojek tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ hợp tác, Dat Bike sẽ cung cấp cho các đối tác tài xế Gojek dòng xe Dat Bike Weaver++ để thực hiện các dịch vụ chở khách (GoRide), giao đồ ăn (GoFood) và giao hàng (GoSend) tại Việt Nam.
Dịch vụ vận chuyển, giao hàng bằng xe máy điện Weaver++ sẽ được triển khai đầu tiên tại TP HCM từ ngày hôm nay 18/5.
Chiếc xe máy điện Dat Bike Weaver++ có vận tốc tối đa 90km/h với quãng đường đi được 200km cho mỗi lần sạc đầy trong 3 giờ, giúp các đối tác đảm bảo hiệu suất hoạt động cũng như duy trì thu nhập.
Đặc biệt, tài xế có thể sạc pin miễn phí ở hàng chục điểm sạc cộng đồng trên địa bàn TP HCM. Bên cạnh đó, Weaver++ còn được lắp sẵn cổng sạc nhanh để có thể sạc nhanh 100km đầu tiên trong 1 giờ tại bất kỳ ổ điện gia dụng nào và chỉ trong 20 phút tại trạm sạc nhanh của Dat Bike.
Việc sử dụng xe điện Dat Bike Weaver++ có thể giúp các đối tác tài xế Gojek tiết kiệm chi phí nhiên liệu tới hơn 4 lần so với xe xăng. Từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường bằng việc ngưng xả thải.
Ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn, CEO Dat Bike cho biết: “Dự án này là một phần trong tầm nhìn lớn của Dat Bike về việc chuyển đổi toàn bộ xe máy xăng sang xe máy điện tại Việt Nam và Đông Nam Á. Lực lượng đối tác lái xe công nghệ vô cùng đông đảo và là những người có nhu cầu sử dụng xe với tần suất lớn”.
Thông qua thí điểm này, Dat Bike mong muốn thuyết phục được đông đảo người dùng bao gồm cả các đối tác lái xe công nghệ về sức mạnh và tiện ích mà xe điện có thể mang lại nhằm thúc đẩy cuộc cách mạng xanh, hướng tới mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn từ nay đến năm 2050.
Thời gian qua, không chỉ Gojek mà một số hãng xe công nghệ, hãng taxi trên thị trường đang rục rịch thử nghiệm chuyển đổi sang sử dụng xe máy điện.
Lazada, Baemin, Grab đang hợp tác cùng hãng xe điện Selex Motors để dùng xe máy điện trong giao hàng. Hãng giao vận Ahamove cũng đã ký kết hợp tác với VinFast để sử dụng xe máy điện trong giao hàng.
Tuy nhiên, Gojek là đơn vị đầu tiên thử nghiệm sử dụng xe máy điện trong chở khách. Trước đó, Dat Bike cũng là thương hiệu xe máy điện có tiếng trên thị trường Việt Nam, từng gọi vốn thành công trên Shark Tank Việt Nam. Đến nay, Dat Bike đang được định giá khoảng 32 triệu USD.
Xuất hiện hãng xe điện Make in Vietnam chuyên dùng để giao hàng
Dù xe xăng vẫn đang là phương tiện phổ biến nhất tại Việt Nam nhưng xe máy điện cũng không còn là điều mới lạ. Gần đây, thị trường xe máy điện đang trở nên nóng hơn khi xuất hiện một số công ty khởi nghiệp tham gia vào thị trường này.
Các cái tên đáng chú ý là VinFast – không chỉ tập trung vào ô tô điện mà cũng phát triển dòng xe máy điện dân dụng; hay Tập đoàn Sơn Hà – nổi tiếng với các sản phẩm bồn nước năng lượng mặt trời, cũng bất ngờ tuyên bố bước vào ngành xe điện bằng việc ra mắt 4 mẫu xe máy điện vào tháng 4/2023; hay Dat Bike – công ty sản xuất các sản phẩm xe motor điện, đã gọi vốn được tổng cộng 16 triệu USD.
Bên cạnh các dòng sản phẩm xe máy điện phục vụ di chuyển thông thường như kể trên, mới đây đã xuất hiện một công ty khởi nghiệp chuyên phát triển xe máy điện dành cho giao hàng.
Cuối tháng 11/2022, Selex Motors đã cho ra mắt xe máy điện Selex Camel, được giới thiệu là “mẫu xe máy điện bán tải đầu tiên ở Đông Nam Á”. Xe có tải trọng 225 kg, cao hơn 50% so với xe máy phổ thông hiện nay, trong khi tiết kiệm 25-35% chi phí nhiên liệu và 50% chi phí bảo trì.
Selex Camel được trang bị tối đa 3 pack pin, với quãng đường đi được tối đa là 150 km, có khả năng lội nước, đi được ở các đường dốc thông thường như cầu, hầm. Chiếc Selex Camel hiện có giá 21.890.000 đồng, chưa gồm VAT, pin và thùng.
Selex Camel thậm chí có thể tháo rời yên sau một cách dễ dàng mà không cần dụng cụ, giúp tối ưu lắp đặt những thùng to, qua đó tăng hiệu suất giao vận.
Dù là công ty khởi nghiệp còn khá mới trên thị trường nhưng Selex Motors đã nhận được cái gật đầu hợp tác từ Lazada Việt Nam. Trong năm 2023, Lazada Logistics sẽ là đơn vị tiên phong tại Việt Nam nhận bàn giao lô xe máy điện đầu tiên từ Selex Motors, dự kiến đưa vào hoạt động ít nhất 100 chiếc.
Selex được thành lập bởi ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên – Giám đốc điều hành/Giám đốc công nghệ, ông Nguyễn Trọng Hải – Kỹ sư trưởng Kỹ thuật Cơ khí và ông Nguyễn Đình Quảng – Kỹ sư trưởng Phần mềm.
Cùng tốt nghiệp tiến sĩ Cơ khí từ Đại Học Michigan, ông Nguyên là một chuyên gia về xe điện với kinh nghiệm làm việc cho các công ty trong lĩnh vực ôtô và quốc phòng ở Mỹ, Malaysia và Việt Nam. Ông Hải là một chuyên gia cơ khí với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ôtô, bao gồm Ford và GM.
Ông Quảng là chuyên gia kỹ thuật phần mềm/IoT với hơn 12 năm kinh nghiệm, từng là Kỹ sư trưởng Phần mềm cho một công ty quốc phòng của Israel. Trước khi khởi nghiệp, CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên có 4 năm làm việc tại Tập đoàn Viettel.
Selex Motors đã gọi vốn thành công 2,1 triệu USD từ Touchstone Partners, ADB Ventures – quỹ đầu tư mạo hiểm của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Nextrans – quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc tại Việt Nam.
Đến tháng 4/2023, Selex tiếp tục công bố vòng đầu tư trái phiếu chuyển đổi trị giá 3 triệu USD với ADB Ventures, Schneider Electric Energy Access Asia, Touchstone Partners và Sopoong Ventures.
Không chỉ hợp tác với Lazada, Selex Motor cũng công bố hợp tác thử nghiệm với ứng dụng giao đồ ăn Baemin, Viettel Post, DHL,..
Startup này tỏ ra khá tự tin với những điểm khác biệt của mình với các hãng xe điện hiện có trên thị trường. Cụ thể, Selex Motors là nhà sản xuất xe điện đầu tiên triển khai mạng lưới đổi pin tại Việt Nam.
Khác với các đơn vị xe điện khác như VinFast hay DatBike, người dùng hoặc là sạc tại nhà, hoặc sạc nhanh tại các trạm từ 3-4 tiếng, người dùng xe điện của Selex Motors có thể dễ dàng đổi pin tại các trạm đổi Selex chỉ vỏn vẹn 2 phút.
Thứ hai, Selex Motors quản lý tất cả hệ sinh thái của mình thông qua hạ tầng công nghệ IOT. Cụ thể, công ty có thể theo dõi tình trạng của pin trong các trạm đổi pin, vị trí của pin, số lượng trạm đổi pin đang hoạt động,… và phát thông tin đến người dùng qua ứng dụng di động của Selex.
Điểm khác biệt còn lại nằm ở công nghệ pin của Selex Motors. Với khả năng vận hành tối ưu và kích thước nhỏ gọn, pin Selex có thể đáp ứng nhu cầu đổi pin của khách hàng một cách dễ dàng và thuận tiện hơn tại trạm đổi của Selex.
Bên cạnh đó, mật độ năng lượng của pin Selex gấp 3 lần so với các loại ắc quy truyền thống và có khả năng tương thích 70% với xe điện trên thị trường cũng như đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe về an toàn trong nước và quốc tế.
Selex Motor còn tuyên bố là start-up “Make in Vietnam” với tất cả các thành phần trong hệ sinh thái được nghiên cứu và sản xuất từ A-Z tại Việt Nam, do đội ngũ kỹ sư Việt Nam thực hiện.
Theo Mekongasean, Nhịp sống thị trường
Xem thêm bài liên quan
- Từ 100 đến 20.000 Taxi điện: Nhìn lại những cột mốc ghi dấu ấn cho tốc độ tăng trưởng “Thần tốc” của xu hướng dịch chuyển Taxi “bỏ xăng sang điện” tại Việt Nam
- VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và câu chuyện “Mãnh long quá giang”: Từ bãi đầm lầy ven biển Hải Phòng đến loạt kỳ tích vươn ra Thế giới
- Điểm danh những chiến tích của VinFast ngay đầu năm mới 2024: Những bước tiến vững chắc không ngừng, tiếp tục ghi điểm trong nước và quốc tế