Sau nhiều năm trì hoãn, sản phẩm kính thực tế hỗn hợp đầu tiên của Apple đã chính thức lộ diện, được coi là sản phẩm chiến lược cho tương lai hậu iPhone.
Tại phần phát biểu mở màn WWDC 2023 diễn ra vào rạng sáng 6/6, CEO Apple Tim Cook đã chính thức công bố sản phẩm kính thực tế hỗn hợp mang tên Apple Vision Pro sau câu nói “One more thing” biểu tượng.
Đây là lần đầu tiên đại diện của Táo Khuyết sử dụng câu nói này kể từ khi ra mắt iPhone X, chiếc máy kỷ niệm 10 năm với sự thay đổi hoàn toàn về thiết kế. Apple Vision Pro hứa hẹn sẽ “kết hợp thế giới thực và thế giới kỹ thuật số một cách liền mạch”.
Phần cứng ấn tượng
Apple Vision Pro được trang bị “chip kép” bao gồm M2 và một con chip hoàn toàn mới có tên R1. Con chip này được sử dụng để xử lý đầu vào từ máy ảnh, cảm biến và micrô cũng như truyền hình ảnh đến màn hình.
Sản phẩm còn sở hữu hệ thống cảm biến, 2 camera ở xung quanh và công nghệ theo dõi mắt giúp người dùng điều khiển ứng dụng hoàn toàn bằng mắt và ngón tay.
Táo Khuyết cũng cho biết chiếc kính sẽ có màn hình hiển thị độ phân giải 4K cùng với hệ thống “Spatial Audio” mới cung cấp âm thanh khớp với môi trường xung quanh bằng cách sử dụng tính năng dò tia (Ray-tracing).
Hệ điều hành hoàn toàn mới
Được xây dựng trên nền tảng của macOS, iOS và iPadOS, hệ điều hành dành riêng cho Vision Pro là visionOS sẽ cho phép sản phẩm hoạt động độc lập cũng như kết nối với hệ sinh thái Apple một cách liền mạch.
Hiện tại, vẫn chưa có nhiều thông tin về visionOS, nhưng Apple cho biết hệ điều hành mới này sẽ sở hữu cửa hàng ứng dụng riêng, nơi mọi người có thể tải xuống các App dành riêng cho Vision Pro và các ứng dụng iPhone và iPad tương thích.
Kết hợp giữa thế giới thực và kỹ thuật số
Điểm khác biệt của Vision Pro so với các sản phẩm kính khác là không cô lập người dùng với thế giới bên ngoài nhờ thiết kế đặc biệt. “Đây là sản phẩm đầu tiên của Apple mà bạn sẽ nhìn xuyên qua chứ không phải nhìn thẳng vào”, CEO Tim Cook nói về thiết bị mới.
Vision Pro có thể chuyển qua lại chế độ thực tế hỗn hợp (AR) và thực tế ảo (VR) bằng cách sử dụng nút xoay trên thân kính. Ở chế độ VR, thiết bị sẽ tự động nhận dạng, phát sáng màn hình để người xung quanh hiểu rằng người dùng đang không thấy khung cảnh bên ngoài.
Khi có người đến gần, tính năng có tên “EyeSight” sẽ hiển thị đôi mắt và biểu cảm của người dùng thông qua màn hình bên ngoài để dễ dàng giao tiếp.
Thay đổi cách làm việc
Với hệ điều hành visionOS, người dùng có thể tự do di chuyển màn hình ứng dụng ở mọi khoảng cách, thu nhỏ phóng to tùy thích, sắp xếp, đặt chúng cạnh nhau hay xếp chồng. Duyệt web, trả lời email, trò chuyện sẽ đều được thực hiện trên không gian xung quanh.
Thêm vào đó, Vision Pro cho phép người dùng kết nối với máy Mac và mở rộng màn hình trực tiếp lên kính. Trong không gian kính, màn hình Mac sẽ có một cửa sổ riêng và hoạt động độc lập với các cửa sổ khác như Apple TV hay trình duyệt web. Các phụ kiện như AirPods, Magic Mouse, Magic Keyboard cũng sẽ hoạt động trơn tru với Vision Pro.
Với cảm biến LiDAR, Vision Pro có khả năng chụp ảnh và quay video ở định dạng 3D và xem lại những thước phim này ở chế độ thực tế ảo.
Điều này giúp người dùng có thể “sống lại” những khoảnh khắc đáng nhớ một cách chân thực. Thêm vào đó là hiệu ứng “Spatial Audio” giúp âm thanh đi đến tai người đeo dường như được phát từ các vị trí tự nhiên trong môi trường xung quanh.
Giải trí
Ngoài phục vụ công việc, Vision Pro cũng được trang bị nhiều tính năng giải trí. Khi ở chế độ VR, thiết bị có thể biến căn phòng thành rạp chiếu phim riêng tư với màn hình lên tới 30m.
Apple cũng cho biết sản phẩm có khả chơi nhiều tựa game có sẵn trên dịch vụ Apple Arcade và hỗ trợ tay cầm chơi game tương tự như Apple TV 4K
Kính Vision Pro được Apple niêm yết ở mức 3.499 USD. Tuy nhiên, Apple cho biết thiết bị sẽ chỉ được bán ra vào đầu năm 2024, ngoài ra chúng chỉ khả dụng ở các Apple Store tại Mỹ.
Apple không thể tiếp tục chậm trễ trong cuộc đua AI
Tim Cook, Giám đốc điều hành của Apple nhận xét những tiến bộ gần đây trong AI tạo sinh là “rất thú vị”. Tuy nhiên, ông cho biết công ty sẽ “cân nhắc và thận trọng” trong cách tiếp cận công nghệ của mình.
Tuy nhiên, với công nghệ AI đang phát triển như vũ bão, Apple đứng trước nguy cơ bị tụt lại khá xa so với các đối thủ.
Có thể lấy ví dụ HomePod của Apple được giới thiệu rất lâu sau Amazon Echo và Google Home, những sản phẩm có thị phần cao hơn nhiều so với Táo khuyết trong phân khúc loa thông minh.
Trâu chậm uống nước đục
Mặc dù Apple chưa công khai tham gia cuộc chạy đua AI, một báo cáo gần đây của 9to5Mac cho biết nhà sản xuất iPhone đang nghiên cứu nâng cấp công nghệ này lên trợ lý ảo Siri. Táo khuyết đặt mục tiêu cải thiện khả năng đàm thoại của trợ lý ảo thông qua những ứng dụng AI giống như ChatGPT.
Chỉ trong 3 tuần đầu tiên của tháng 5, Apple đã đăng tuyển 28 công việc mới liên quan đến công nghệ AI khi tìm kiếm các kỹ sư cấp cao, nhà khoa học nghiên cứu, quản lý dự án đặc biệt… Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, công ty cho biết họ kỳ vọng AI tạo sinh sẽ “biến đổi các nền tảng điện toán di động của Apple”.
Theo 9to5Mac, Tim Cook đã không phóng đại khi nói về AI tạo sinh mà đưa ra quan điểm thận trọng. Trong tháng 5, Apple đã cấm nhân viên sử dụng các công cụ AI đang có mặt trên thị trường, với lý do mất an toàn thông tin.
Thực tế AI không phải là một khái niệm hoàn toàn mới đối với Apple. Trợ lý ảo Siri, được ra mắt lần đầu cách đây 12 năm, sử dụng tính năng nhận dạng giọng nói và học máy để hiểu câu hỏi và đưa ra câu trả lời.
Đến những tháng gần đây, Apple tiếp tục giới thiệu các cải tiến cho các tính năng camera như Photographic Styles và Visual Look Up cho phép tách chủ thể khỏi bức ảnh. Cả hai tính năng này đều phụ thuộc vào sức mạnh AI xử lý.
Bên cạnh đó, máy tính dòng Mac và MacBook của Apple hiện chạy trên chip M1 và M2 do Apple thiết kế, có 6 nhân hiệu năng cao và 4 nhân tiết kiệm năng lượng, chuyên dùng cho các tác vụ AI và máy học. Apple cho biết hiệu suất AI trên chip của hãng nhanh hơn 40% so với chip Intel cũ.
Greengart cũng nhấn mạnh sẽ rất hợp lý nếu Apple đưa công nghệ này vào một số sản phẩm vượt ra ngoài Siri, cũng như các dịch vụ hỗ trợ AI hiện tại của hãng.
“Apple thích định vị mình là điểm giao thoa giữa công nghệ và nghệ thuật tự do. AI tạo sinh sẽ phù hợp hoàn hảo với các công cụ và phần mềm mà Apple cung cấp để người dùng thể hiện cá tính từ GarageBand, chỉnh sửa ảnh đến soạn email trên iPhone, iPad và Mac”, Greengart viết gửi cho tờ CNET.
Mặc dù vậy, việc tích hợp một chatbot như ChatGPT của OpenAI hoặc Bard của Google có thể sẽ không phải là phương án được Apple chọn.
Công nghệ cơ bản đằng sau những chatbot đó, được gọi là mô hình ngôn ngữ lớn, yêu cầu lượng tài nguyên dữ liệu để phát triển. Với vị thế của mình và lượng người dùng trong hệ sinh thái của mình, Apple có những tài nguyên đó, nhưng nó sẽ phải là một khoản đầu tư đáng giá để nhà sản xuất iPhone đặt cược.
Theo CNET, tại WWDC 2023, hội nghị thường niên cho lập trình viên của Apple sẽ diễn ra từ ngày 5-9/6 tới, các giám đốc của Apple có thể sẽ hé lộ thêm chi tiết về cách nhà sản xuất iPhone nhìn nhận về trí tuệ sáng tạo AI và cách ứng dụng nó phù hợp với hoạt động kinh doanh rộng lớn hơn.
Tại các sự kiện WWDC trước đây, Apple thường giới thiệu những bản cập nhật phần mềm mới cho iPhone, Apple Watch hay iPad. Rất có thể, những bản cập nhật tại sự kiện năm nay sẽ ghi dấu ấn của AI.
Theo Zingnews