Quay lại thương trường, ông Trầm Bê gia nhập HĐQT của một doanh nghiệp lớn từng làm nên tên tuổi nhiều năm trước.
Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty CP Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An – Bệnh viện Triều An (quận Bình Tân, TP.HCM) đã bầu ông Trầm Bê làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027.
Ông Trầm Bê là Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Triều An từ năm 1999 đến năm 2017 thì bị bãi nhiệm do vướng vòng lao lý bởi vụ án tại Ngân hàng Phương Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín – Sacombank.

Ông là người Việt gốc Hoa, sinh năm 1959, quê quán Trà Vinh, lập nghiệp tại TP.HCM. Khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến lâm sản, ông Trầm Bê sớm trở thành “ông trùm” ngành ngân hàng khi thao túng hoạt động tại SouthernBank rồi đến Sacombank. Ông Bê bị bắt giam ngày 1/8/2017. Theo đó, ông phải chấp hành 2 bản án hình sự, với tổng cộng 7 năm tù.
Trong vụ thứ nhất, ông Trầm Bê bị TAND TP.HCM tuyên phạt 4 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vì giúp sức cho ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng xây dựng – VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) gây thiệt hại cho VNCB khoảng 1.800 tỷ đồng.
Ở vụ thứ hai, năm 2020, TAND TP.HCM tuyên phạt ông Trầm Bê 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đến tháng 2 năm nay, ông đã hoàn thành thi hành án.

Về kết quả kinh doanh của Bệnh viện Triều An, sau một năm thua lỗ, đến năm 2022, bệnh viện Triều An đạt 591 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 41 tỷ đồng.
Trong quý I/2023, bệnh viện này đạt doanh thu thuần gần 141 tỷ, tăng 25% so với cùng kỳ và lãi sau thuế hơn 19 tỷ đồng, gấp 9,4 lần so với cùng kỳ.
Đến hết ngày 31/3, tổng tài sản của Bệnh viện Triều An đạt hơn 1.127 tỷ đồng, tăng nhẹ so thời điểm đầu năm, trong đó gần 504 tỷ đồng là các khoản phải thu dài hạn, nợ phải trả gần 532 tỷ đồng.
Hiện, bà Trầm Thuyết Kiều, con gái ông Trầm Bê vẫn đang là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc đang nắm 21,4% vốn điều lệ, chị vợ ông Trầm Bê là bà Viên Tú Anh nắm 3,44%.
Chủ tịch Sacombank: Tôi là cổ đông lớn nhất và cũng muốn chia cổ tức
Người đứng đầu ngân hàng nói Sacombank còn điều kiện duy nhất là phải bán đấu giá cổ phiếu của ông Trầm Bê vào cuối năm 2023 mới có thể chia cổ tức cho cổ đông.
Trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông sáng 25/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã: STB) đã thông qua các kế hoạch về phân phối lợi nhuận và chiến lược kinh doanh thời gian tới.
Trong năm 2022, Sacombank trích đến 8.838 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,5 lần năm trước, nhưng nhà băng tư nhân này vẫn lãi trước thuế 6.339 tỷ đồng, tăng trưởng 44% và vượt 20% mục tiêu.

Chưa đủ điều kiện chia cổ tức
HĐQT Sacombank cũng trình cổ đông phương án sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ với số tiền 12.672 tỷ đồng. Do đó, ngân hàng sẽ không thực hiện chia cổ tức.
Giải đáp các thắc mắc của cổ đông về việc không chia cổ tức 8 năm liên tiếp, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh cho biết do ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu.

Sacombank cơ bản đã xử lý nợ xấu, còn điều kiện duy nhất là đấu giá cổ phần của ông Trầm Bê và bên liên quan. Lãnh đạo ngân hàng nói thêm đã trình vấn đề này lên Ngân hàng Nhà nước để cho phép bán đấu giá cuối năm nay.
Ban điều hành khẳng định phấn đấu trong năm 2023 sẽ giải quyết xong vấn đề đấu giá cổ phiếu trên. Khi hoàn thành tái cơ cấu theo lộ trình mới có thể tiến hành chia cổ tức cho cổ đông.
“Tôi là cổ đông lớn nhất và có tâm trạng giống các cổ đông khác, cũng muốn được chia cổ tức chứ không phải ngâm mãi. Chúng tôi cam kết chia hết cổ tức nhưng tái cơ cấu cần thời gian”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo đó, người đứng đầu Sacombank kỳ vọng năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu và công ty sang năm tiếp theo có thể không còn phải nghe cổ đông chất vấn về việc chia cổ tức.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích Sacombank chia cổ tức để tăng năng lực tài chính. Các hoạt động kinh doanh cốt lõi không thua kém ngân hàng tương đồng quy mô và có kế hoạch trích hết 8.000 tỷ đồng lợi nhuận cho trái phiếu VAMC.
Kế hoạch lãi tăng 50%
Sang năm 2023, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 11% lên mức 657.800 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 574.600 tỷ đồng, tăng 11%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 491.600 tỷ đồng, tăng 12%.
Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm là 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với kết quả năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Tại đại hội, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm tiết lộ kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận trước thuế 2.383 tỷ đồng, tăng trưởng 50% và đạt 25% kế hoạch năm. Ngân hàng cũng đã trích dự phòng rủi ro cho trái phiếu VAMC là 2.213 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng hết quý I đạt trên 2%.
Nợ nhóm 2 đến hết quý vừa qua là 4.226 tỷ đồng, so với năm trước đang giảm 1.255 tỷ. Trong năm 2022 và đầu năm 2023, lĩnh vực cho vay sản xuất kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngắn hạn có dòng tiền chưa thu hồi kịp nhưng các khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo.
Năm ngoái, Sacombank thu hồi xử lý 15.886 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó có 12.010 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án, kéo giảm tỷ trọng trong tổng tài sản xuống còn 4,3%.
Đặc biệt, ngân hàng hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc đề án và trích lập dự phòng theo quy định. Tổng số dư dự phòng rủi ro đạt 22.742 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm.
Đến cuối năm ngoái, lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn lại 3.741 tỷ đồng. Cộng với 8.930 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước, Sacombank còn 12.672 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.
Về vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB, ngân hàng cho biết kể từ ngày 14/3/2014 cho đến hiện tại, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài được thống nhất là 30%.
Khi Sacombank phát hành 400 triệu cổ phiếu STB để sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank, Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã đều chỉnh đưa tỷ lệ này về mức 23,63%. Đến ngày 31/5/2021, VSD đã điều chỉnh về lại mức 30%.
Vào ngày 10/3, VSD gửi văn bản ghi nhận sự thiếu sót đối với việc điều chỉnh nêu trên. Do đó, Sacombank ghi nhận room ngoại cổ phiếu STB ở thời điệm hiện tại vẫn ở mức 30% vốn điều lệ.
Theo Zingnews