Các tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Samsung, LG đang cân nhắc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới vào Việt Nam nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định và Chính phủ có nhiều ưu đãi hơn.
Sáng 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Phát biểu tại hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đưa ra những nhận định về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cho biết nền kinh tế toàn cầu đã trải qua thời kỳ đầy bất ổn gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp châu Âu và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI) đã biến động trong 12 tháng qua, giảm từ 73 điểm trong quý I/2022 xuống chỉ còn 48 điểm trong quý IV/2022 và quý I/2023.
“Các số liệu trong báo cáo quý I cho thấy có dấu hiệu hy vọng, khi chỉ số lạc quan của các doanh nghiệp châu Âu về nền kinh tế Việt Nam đã tăng 8 điểm, mặc dù chỉ số BCI vẫn ở mức 48 điểm”, ông nói.
Quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam giảm
Chia sẻ về tình hình đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết tổng quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong quý I chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng dự án cũng giảm 9,1% so với cùng kỳ xuống còn 344 dự án, đưa Hàn Quốc – nhà đầu tư số một tại Việt Nam – xuống vị trí thứ tư, mức thấp nhất kể từ năm 2008.
“Hiện nay, có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và thương mại giữa hai nước năm ngoái đã tăng 175 lần trong 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức cao nhất trong lịch sử là 87,7 tỷ USD”, ông thông tin.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam sử dụng khoảng 700.000 lao động và đóng góp một phần rất lớn vào nền kinh tế, ông Hong Sun và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc biết rằng Chính phủ Việt Nam cũng rất lo ngại về việc các công ty Hàn Quốc sẽ cắt giảm đầu tư.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng.
“Sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam như Công ty Điện tử Samsung. Các công ty như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ôtô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng”, ông Hong Sun nói.
Ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam đánh giá năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với thế giới.
Kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng chủ yếu từ 3 nguyên nhân bao gồm căng thẳng địa chính trị, chiến tranh Ukraine và lạm phát toàn cầu tác động đến kinh tế vĩ mô.
“Những vấn đề trên đã và đang ảnh hưởng đến Việt Nam, bằng chứng là GDP quý I của Việt Nam tăng trưởng thấp”, ông nói.
Với Intel, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết khoản đầu tư vào Việt Nam đã tăng lên 1,5 tỷ USD và doanh nghiệp mong muốn tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam.
Việt Nam cần có chính sách ưu đãi trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng.
Về thuế và phí, EuroCham đánh giá quyết định gia hạn nộp thuế và giảm thuế giá trị gia tăng sẽ hỗ trợ phục hồi kinh doanh và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.
“Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ EVFTA”, ông nói.
Theo hướng đó, EuroCham khuyến nghị Chính phủ không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một công cụ để bù lại việc việc xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Chính phủ có thể xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh và không nên áp dụng sắc thuế này đối với các sản phẩm thiết yếu như sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng.
“Cần miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xe điện”, ông Gabor Fluit đề xuất.
Cũng liên quan đến vấn đề về thuế, ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam đề xuất cần nghiên cứu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
“Từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế được giảm hoặc hủy bỏ do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu”, ông nói.
Ông Kim Sung Hun, Tổng giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ cần sớm đưa ra quyết định cũng như các biện pháp để đối phó với tình trạng xấu đi của môi trường đầu tư trong khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Về vấn đề năng lượng, ông Michael Michalak, Phó chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) mong muốn Việt Nam đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện.
Cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết và sớm ban hành Quy hoạch điện VIII.
“Việt Nam đang thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư chất lượng cao và nhiều trong số họ đã cam kết thực hiện lộ trình trung hòa carbon nên cần được tiếp cận năng lượng tái tạo sớm. Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt kế hoạch thí điểm thực hiện cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến hộ tiêu thụ công nghiệp”, ông nói.
Tương tự, Chủ tịch EuroCham cũng cho rằng để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, Việt Nam cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII. Đồng thời có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Samsung sẽ nâng vốn đầu tư tại Việt Nam từ 18 tỷ USD lên 20 tỷ USD: Tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn
- “Gã khổng lồ” công nghệ Samsung thu gần 16 tỷ USD tại thị trường Việt Nam trong quý I năm 2023
- Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc ký ghi nhớ hợp tác: Mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 150 tỷ USD vào năm 2030