Khi nói về việc làm ăn với Trung Quốc, chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) bộc bạch: “Thương nhân Trung Quốc không vừa đâu. Họ là những tay buôn lão làng của thế giới. Mình làm không chuyên nghiệp là bị ép liền. Với những khách hàng như vậy, việc của mình là làm sao đưa được khách vào tầm kiểm soát.”
“Nói thật, nông sản của Việt Nam bây giờ phải tập hợp dưới một chuẩn mực nghiêm ngặt thì mới nâng giá trị lên được.
Hiện tại, chúng ta cứ làm theo yêu cầu của thị trường này một chút, làm theo tiêu chuẩn của thị trường kia một xíu, rồi lại làm theo nhu cầu dễ dãi của thị trường nội địa một ít… cứ đi mãi theo kiểu đó là mình sẽ chết.
Mình phải tự chọn cho mình một tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn của toàn cầu đi. Tiêu chuẩn mà cả thế giới phải soi vào, để từ đó, với mỗi khách hàng cụ thể, mình có sự điều chỉnh cụ thể. Chỉ vậy thôi, không lằng nhằng!
Nói gì thì nói, riêng trái cây, Việt Nam rất lợi thế so với các nước khác trên thế giới vì mình gần Trung Quốc – một thị trường khổng lồ. Một năm họ tiêu thụ đến mấy trăm tỷ USD cho trái cây chứ không phải chỉ một vài tỷ như mình đang xuất được. Nông sản Việt Nam chỉ là một phần nhỏ xíu trong tổng lượng trái cây Trung Quốc nhập thôi.
Như vậy, một người hàng xóm tỉnh táo là phải tranh thủ Trung Quốc. Chỉ cần tăng trưởng hàng năm với quốc gia này mười mấy hai mươi phần trăm là coi như nông dân mình làm mệt rồi.
Làm ăn với họ cần biết rằng, thương nhân Trung Quốc không vừa đâu. Họ là những tay buôn lão làng của thế giới. Mình làm không chuyên nghiệp là bị ép liền. Với những khách hàng như vậy, việc của mình là làm sao đưa được khách vào tầm kiểm soát.
Đặc điểm của thị trường khổng lồ này là họ mua với mọi giá, thượng vàng hạ cám họ lấy hết. Chất lượng cao thì bán được giá cao, chất lượng thấp họ mua giá thấp.
Một thị trường dễ tính nhưng đừng bao giờ gọi là thị trường tào lao. Các địa bàn Thượng Hải, Bắc Kinh, Đại Liên… là thị trường đỉnh của thế giới luôn.
Hàng hóa phải đạt chất lượng rất cao, tương đương với Châu Âu, hàng tào lao không có cơ vào đó. Còn nếu bán cho các tỉnh gần biên giới Việt Nam, chất lượng hàng hóa có thấp một tý, họ vẫn mua.
Riêng mấy khách hàng châu Âu lại khác. Vào thị trường EU chỉ có một loại thôi, loại 1, còn các loại khác phải bỏ hết. Cái này mình phải tính toán cực kỳ tỉnh táo.
Chẳng hạn với câu chuyện này: Năm 2017, một lô trái thanh long đầu tiên cỡ 2,5 tấn, chưa được một container xuất đi Australia, có đến hàng trăm tờ báo đăng. Rồi trái thanh long vào siêu thị ở Australia cũng tương đương từng ấy tờ báo loan tin.
Nhưng không ai để ý, cũng trong ngày hôm đó, cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc ở Lào Cai có đến 500 container thanh long được xuất đi. Không một ai nói câu nào!
Ta không chịu nhìn thấy nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc là kìn kìn hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm.
Như vậy mới thấy chuyện định hướng của chúng ta là đang sai rồi. Sai lè!
Chưa được 1 container xuất sang Australia, đương nhiên không thể nói đó là thị trường lớn. Và nông dân Việt Nam không thể dựa vào một container để sống, chứ nói gì đến làm giàu.
Nhưng truyền thông đã tô vẽ ra lớn quá, làm cho nông dân, doanh nghiệp, tất cả các bên liên quan vô hình chung bị ngộ nhận.
Nói thật, cỡ Australia tôi không bao giờ quan tâm. Đây cũng chỉ là một thị trường như bao thị trường khác. Mình bán cho Australia cũng như mình bán cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan hay các nước Asean…
Mình phải ưu tiên cho thị trường nào ở gần mình hơn, dễ dàng bán hơn, mua nhiều hơn, mua thường xuyên hơn. Đó là bài toán đương nhiên làm ăn kinh doanh phải nhìn thấy.”
Hàng xóm tỉnh táo là phải biết tranh thủ thị trường Trung Quốc để làm ăn. Đây là quan điểm của ông Đoàn Nguyên Đức trả lời trên truyền thông về việc xuất khẩu chuối và hoa quả sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác.
Xin tóm lược mấy ý chính như sau:
1) Không biết tận dụng ông hàng xóm khổng lồ như Trung Quốc là không tỉnh táo.
2) Làm doanh nhân cần phải tách bạch rõ, đâu là chính trị, đâu là lịch sử, và đâu là làm ăn kinh doanh.
3) Trung Quốc là thị trường khổng lồ, mỗi năm họ tiêu thụ vài trăm tỷ USD trái cây, chứ không phải chỉ có dăm tỷ đô như chúng ta đang xuất.
4) Muốn không bị ép thì mình phải có hàng hoá đủ lớn, chất lượng cao để có thể ép lại họ.
5) Trung Quốc cũng có nhiều loại: Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên thị trường cao cấp ngang châu Âu, chỉ có các tỉnh giáp biên giới bộ với Việt Nam là Quảng Tây, Vân Nam mới có tiêu chuẩn hàng hoá thấp thôi (GDP của Bắc Kinh, Thượng Hải tương đương Đài Loan, cao gấp gần 4 lần Quảng Tây).
6) Coi trọng thị trường Úc hơn Trung Quốc là với vẩn, Úc thị trường bé.
7) Chuối của HAGL làm ra đến đâu xuất hết đến đấy, kể cả giữa mùa dịch, 80% là xuất sang Trung Quốc, 20% là Nhật Bản và Hàn Quốc (bằng đường biển).
08) Mình phải ưu tiên cho thị trường nào ở gần mình hơn, dễ dàng bán hơn, mua nhiều hơn, mua thường xuyên hơn. Đó là bài toán đương nhiên làm ăn kinh doanh phải nhìn thấy.
09) Chỉ cần tăng trưởng tốt ở thị trường Trung Quốc thì nông dân VN đã đủ ấm rồi. Vấn đề là hàng hoá chất lượng phải cao, qui mô lớn, bán cho tỉnh thành phố mức sống cao, không bán theo dạng qua biên giới bộ như hiên nay.
Theo Chuyện Thương Trường
Xem thêm bài liên quan
- Bầu Đức nói về việc làm ăn với Trung Quốc: Thương nhân Trung Quốc là những tay buôn lão làng của thế giới
- HAGL của Bầu Đức lãi hàng trăm tỷ đồng từ trồng chuối nhưng bán gần 83.000 con heo gần như không có lãi trong 2 tháng đầu năm
- Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức sau 11 tháng đã lãi xấp xỉ kế hoạch năm nhờ “heo ăn chuối” và cây ăn trái