Giàu “nứt đố đổ vách” nhưng tỷ phú Jack Ma, chủ tịch sàn thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu Alibaba mà vẫn chưa cảm thấy hạnh phúc. Ông cảm thấy vui vẻ hơn khi còn làm giáo viên với mức lương chỉ 12 USD một tháng.
Jack Ma từng trở thành người giàu nhất Trung Quốc sau khi thực hiện thành công IPO cho đại gia thương mại điện tử – Alibaba, thu về 25 tỷ USD vào năm 2014. Thời gian gần đây, trước sự trừng phạt của chính phủ Trung Quốc vào các công ty của Jack Ma, tài sản của ông giảm đáng kể nhưng vẫn đang sở hữu khối tài sản 48,1 tỷ USD.
Dù vậy, Ma vẫn cảm thấy thời gian gần như chẳng kiếm được xu nào khi còn đi dạy hạnh phúc hơn bây giờ. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1988, Ma dạy tiếng Anh tại một trường đại học tại quê nhà ở Hàng Châu (Trung Quốc). Khi ấy, ông chỉ kiếm được 12 USD mỗi tháng.
Trước đây, trong cuộc nói chuyện với Câu lạc bộ Kinh tế học New York (Mỹ), Jack Ma đã gọi thời kỳ này là “cuộc sống tốt đẹp nhất tôi từng có”.
“Nếu có dưới 1 triệu USD, anh sẽ biết phải tiêu chúng thế nào. Nhưng nếu có 1 tỷ USD, nó chẳng phải tiền của anh nữa rồi. Chỗ tiền tôi đang có là khối trách nhiệm. Đó là niềm tin của mọi người lên tôi”, Jack Ma nói. Ông cũng cho biết mình cảm thấy cần phải tiêu tiền “thay mặt cả cộng đồng”.
“Tôi tiêu tiền theo cách của mọi người. Đó là sự gửi gắm”, ông nói.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Ma nói chuyện về gánh nặng khi làm tỷ phú. Khi nói chuyện tại Clinton Global Initiative tại New York, ông cũng nhắc đến những ngày còn làm giáo viên và nói rằng đó là thời gian “tuyệt vời”. Ma cho biết những người có 1 triệu USD là “may mắn”, nhưng khi có 10 triệu USD thì là “anh gặp rắc rối”.
Sau khi làm IPO cho Alibaba và trở thành người giàu nhất Trung Quốc, ông cũng cho biết mình gặp nhiều áp lực từ trách nhiệm đi kèm, đặc biệt khi cả thế giới hiện giờ đang chú ý đến giá cổ phiếu Alibaba. “IPO rất tuyệt, và tôi hài lòng với kết quả đạt được. Nhưng nói thật thì, tôi cho rằng khi người ta quá kỳ vọng vào bạn, bạn càng phải có trách nhiệm bình tĩnh và là chính mình”.
Chia sẻ với các bạn trẻ, ông Jack Ma không ngần ngại, không giấu diếm: “Khi bị từ chối tôi cảm thấy rất buồn, không thể kể cho bố mẹ. Tại sao ai cũng xin được việc mỗi con bị trượt, rất xấu hổ”.
Song, theo ông: “Có lẽ ông trời không muốn tôi làm ở công ty đó mà ra lập công ty của riêng tôi”. Jack Ma sau đó không ngừng học hỏi. Khi Tập đoàn Alibaba đã trở thành số 1 của Trung Quốc, ông đi khắp thế giới gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp, các nghệ sĩ, chính trị gia để lắng nghe họ.
Với nhân viên, ông Jack Ma quan niệm, để nhân viên cảm thấy việc làm của họ có ý nghĩa với bản thân, với gia đình và xã hội. Cho nên logo của Alibaba có hình khuôn mặt cười. “Hãy biến công ty của bạn thành nơi vui vẻ, sáng tạo. Tiền quan trọng, nếu không có tiền thì không ai vui vẻ, nhưng nếu chỉ có tiền, các bạn sẽ không thật sự hạnh phúc từ trong tâm”, tỉ phú Jack Ma chiêm nghiệm.
Trong công việc, ông không bao giờ nản chí, vì ông hiểu rằng, không có ai là siêu nhân, không ai làm được tất cả. Rất lạc quan, ông nói: “Nếu cộng sự của tôi không trả lời được, tôi ngủ và sáng mai thức dậy lại đặt câu hỏi cho họ. Luôn luôn có con đường cho ngày mai, giải pháp cho tương lai nhưng vấn đề là các bạn phải tìm ra con đường đó với những người trong đội của mình”.
Cuộc sống với ông Jack Ma là sự trải nghiệm. “Nếu bạn là sinh viên thì quan trọng nhất là hãy làm sinh viên giỏi ở trường đại học. Sau đó, 20 – 30 tuổi nên tìm ông sếp mà không nhất thiết ở công ty tốt mà là sếp tốt, học hỏi từ ông ta.
30 – 40 tuổi muốn làm gì đó thì tự ra riêng làm. 40 – 50 tuổi phải làm cái gì mà mình thấy giỏi về cái đó, yêu và thích. Từ 50 – 60 tuổi nên trao cơ hội cho giới trẻ, phát triển và đào tạo, ngoài 60 tuổi thì dành thời gian cho cháu nội, cháu ngoại”, Jack Ma chia sẻ.
Với ông Jack Ma thì chỉ số IQ, thông minh thôi là chưa đủ mà cần có sự quyết tâm, đam mê. Đặc biệt, ông cũng là người rất lãng mạn khi đề cao chỉ số LQ (chỉ số tình yêu). “EQ là tìm hiểu về cảm xúc của mọi người giúp đỡ và làm việc, IQ là để tìm hiểu kiến thức tốt hơn, nếu không muốn thất bại thì phải có IQ, có tri thức, logic.
Nhiều người dễ đến, dễ đi, cả thèm chóng chán, nên ta phải có thêm chỉ số LQ vì nhiều người kiếm được nhiều tiền nhưng không được tôn trọng, không có tình yêu đích thực”, tỉ phú Jack Ma nói với các bạn trẻ.
24 tháng sống “ẩn dật” của Jack Ma
Theo nguồn tin của Financial Times, nhiều tháng qua, tỷ phú Jack Ma và gia đình sống tại khu nghỉ dưỡng ở ngoại ô Tokyo. Nhà sáng lập Alibaba thường xuyên đi Mỹ và Israel. 2 năm qua, vị doanh nhân từng nổi tiếng nhất Trung Quốc gần như biến mất khỏi truyền thông.
Ở Tokyo, nhà sáng lập tập đoàn Alibaba sống khép kín, tránh lộ diện trước báo giới và công chúng. Ông Jack Ma có đội ngũ đầu bếp và an ninh riêng. Ông tham gia các câu lạc bộ trả phí dành cho người giàu ở quận Ginza và khu Marunouchi (thuộc Tokyo).
Câu lạc bộ ở Ginza thường là nơi lui tới kín đáo dành cho giới thượng lưu Trung Quốc định cư hoặc công tác dài ngày ở Nhật Bản, theo Financial Times.
Từ Tokyo, đôi khi ông Jack Ma cũng bay đến Mỹ và Israel.
Một số nguồn tin khác cho hay, ở Tokyo, ông Jack Ma khá chú ý đến việc sưu tầm nghệ thuật. Thời gian rảnh, ông dành cho sở thích vẽ tranh.
Cách đây hơn 2 năm, nhà sáng lập Alibaba vẫn ở đỉnh cao. Các nhà đầu tư nước ngoài nóng lòng với đợt IPO khổng lồ của Ant Group – gã khổng lồ fintech của Jack Ma.
Trong một bức thư gửi khách hàng, ông Michael Grimes – Giám đốc điều hành Morgan Stanley – ca ngợi đợt IPO là “vụ niêm yết mang tính bước ngoặt và lịch sử”. Nhưng mọi thứ thay đổi hoàn toàn sau bài phát biểu của ông Ma vào cuối tháng 10/2020.
Trong bài phát biểu dài 21 phút, ông chỉ trích các cơ quan quản lý “chỉ tập trung vào rủi ro mà bỏ qua sự phát triển”. Tỷ phú Ma cáo buộc các ngân hàng lớn nuôi dưỡng “tâm lý tiệm cầm đồ” và làm tổn thương nhiều doanh nhân.
Ngay sau bài phát biểu, các cơ quan giám sát tài chính hàng đầu Bắc Kinh triệu tập ông Ma. Nhưng cú sốc lớn đến vào ngày 3/11. Sàn giao dịch Thượng Hải đình chỉ đợt IPO của Ant Group với lý do “những thay đổi về quy định”. Thông báo được đưa ra chỉ vỏn vẹn 2 ngày trước hôm dự kiến diễn ra IPO. Cùng với cổ phiếu Alibaba, tài sản của tỷ phú sáng lập bốc hơi nhanh chóng.
24 tháng đầy biến cố
Sau khi hoãn IPO hồi năm ngoái, hôm 12/4, Ant Group bị cơ quan quản lý Trung Quốc yêu cầu trở thành một công ty holding, chịu quản lý giống các ngân hàng.
Theo đó, công ty phải loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thanh toán, quản lý rủi ro thanh khoản của các sản phẩm quỹ, chấm dứt tình trạng độc quyền thông tin và cải thiện quản trị công ty.
Trước đó 2 ngày, Cục Quản lý thị trường Trung Quốc thông báo phạt Alibaba 18 tỷ nhân dân tệ, tương đương 2,75 tỷ USD vì vi phạm các quy định về chống độc quyền. Đây là mức phạt kỷ lục đối với một công ty Trung Quốc.
Tháng 9/2021, theo Wall Street Journal, ứng dụng 1 tỷ người dùng thuộc Ant Group sẽ phải chia tách mảng kinh doanh cho vay lợi nhuận cao.
Theo kế hoạch, Ant cũng phải chuyển dữ liệu người dùng cho một liên doanh chấm điểm tín dụng do nhà nước góp vốn. Những dữ liệu người dùng này vốn được Ant sử dụng để làm cơ sở cho các quyết định cho vay.
Tháng 4/2022, Reuters đưa tin Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) đang đóng vai trò chính trong cuộc điều tra về mối liên hệ giữa Ant Group và các công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.
Đến tháng 7, Alibaba nằm trong danh sách các công ty bị phạt vì không tuân thủ quy tắc chống độc quyền, liên quan đến việc báo cáo những giao dịch trong quá khứ.
Một trong số 5 thương vụ liên quan đến Alibaba là thương vụ mua cổ phần công ty con Youku Tudou, nền tảng phát trực tuyến, vào năm 2021.
Cuối tháng 11, nguồn tin của Reuters cho biết giới chức Trung Quốc dự định phạt Ant Group hơn 1 tỷ USD. Nhưng điều này cũng mở đường cho việc chấm dứt cuộc trấn áp kéo dài 2 năm đối với công ty công nghệ tài chính này.
Theo Zingnews, Tổng hợp