Theo chủ tịch Intracom, Shark Việt thì muốn giúp đỡ ai thì phải suy nghĩ kỹ, từ bi phải kèm theo trí tuệ; khi mình đã đưa tiền giúp cho ai rồi thì coi như đi không trở về…
Xuất hiện 2 mùa tại chương trình Shark Tank Việt Nam, Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom) gây ấn tượng bởi khả năng hoạt ngôn cũng như những phát biểu đầy triết lý.
Ông Nguyễn Thanh Việt sinh năm 1963 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thuỷ lợi, ông Việt dành 16 năm để công tác tại công ty Sông Đà, nắm giữ các chức vụ lãnh đạo từ giám đốc xí nghiệp, đến phó giám đốc rồi giám đốc công ty.
Năm 2002, ông Việt thành lập công ty Đầu tư hạ tầng và Giao thông (Intracom), kinh doanh theo hướng đa ngành, từ xây dựng, thủy điện, bất động sản đến y tế,…
Điểm đặc biệt trong phương thức hoạt động của Intracom chính là văn hóa “Từ bi – Trí tuệ” xây dựng trên nền tảng Phật giáo và shark Việt cũng là một Phật tử.
Bạn nói tiền không mua được tất cả, nhưng bạn sẽ chẳng làm được gì cả nếu không có tiền. Bạn cho rằng tiền chẳng có giá trị gì trong đời sống tinh thần nhưng để nói tiền có giúp cải thiện cuộc sống hay không thì câu trả lời chắc chắn là: Có.
Có tiền giúp bạn lấp đầy cái bụng, khoác lên mình những bộ quần áo sang trọng, mua được những thứ mình thích, mình cần, mình muốn, đảm bảo cho cuộc sống hằng ngày… Khi không có tiền, con người ta dễ lâm vào tình trạng túng quẫn, bế tắc và chỉ còn cách đi mượn tiền để trang trải cuộc sống trước mắt.
Thế mới nói, đồng tiền kiếm được thực không dễ, nên hãy sử dụng đúng nơi, đúng mục đích và cho mượn thì cũng phải đúng người.
Bêm cạnh việc kinh doanh, shark Việt cũng có những buổi gặp gỡ trao đổi cùng các doanh nhân khác về ứng dụng Phật pháp trong kinh doanh. Cụ thể trong một buổi Tọa đàm tại một thiền viện, doanh nhân này có chia sẻ khá thú vị về việc giúp đỡ hay cho người khác vay.
Ông nói:
“Con đã thường định đầu tư vào ai hay giúp đỡ ai thì mình cũng phải suy nghĩ rất kỹ vì mình từ bi phải kèm theo trí tuệ. Không cẩn thận thì mình lại đi vào đường lạc đạo. Nhưng khi mình đã đưa tiền cho ai rồi, đã giúp ai rồi thì coi như là đi không trở về.
Bởi vì nếu mình nợ người ta nhất định mình sẽ phải trả còn nếu người ta nợ mình thì chắc chắn người ta sẽ trả mình nay mai. Nay mai mà không trả được thì kiếp sau người ta trả. Kiếp sau người ta không trả thì nhiều kiếp sau người ta trả.
Việc đấy mình tin tưởng chắc chắn là như vậy không bao giờ có chuyện suy suyển nhưng suy nghĩ tính toán hợp lý là việc mình phải tính. Vì mình từ bi đi với trí tuệ, có trí tuệ thì mình mới bảo vệ được những thứ không phải của mình mà của nhiều người nữa.
Ta là người Phật tử thì người cho vay và người vay đều phải xác định trả và người cho vay cũng phải xác định tiền đi không về và họ sẽ phải trả mình kiếp sau. Như thế tâm cho nhàn. Chứ vay mà cứ nghĩ người ta phải trả là rất mệt.
Cách thu đòi nợ thì có nhiều cách. Có nhiều người cho vay mà người ta không trả sẽ cho vay tiếp một lần nữa và quản lý rất chặt để người ta làm ra lãi trả cho mình. Đấy cũng là một cách.“
Hiểu đơn giản, quan điểm của Shark Việt rằng khi đã cho vay thì hãy lường trước và chấp nhận tình huống xấu nhất để tinh thần thoải mái, vô tư, thay vì cánh cánh bực bội nghĩ về khoản cho vay nợ đó.
Nói về cái tên Shark Việt, hẳn đã không còn xa lạ với nhiều người. Ông đem tới cho Shark Tank Việt Nam luồng gió hoàn toàn mới về tiêu chí đầu tư chắc chắn, cẩn trọng cùng những triết lý sâu sắc, mang đậm giáo lý nhà Phật.
Triết lý Phật giáo cũng được ông vận dụng trong hoạt động kinh doanh. Và quan điểm đầu tư, giúp đỡ người khác trong kinh doanh của ông cũng phần nào thể hiện triết lý Phật giáo xuyên suốt trong tư tưởng, lối sống của vị “cá mập” này.
Vậy trước khi cho người khác vay tiền, cần phải cân nhắc, nhìn nhận thấu đáo. Khuyến cáo 5 trường hợp không nên cho vay tiền:
1. Người thân có tính cách không đáng tin
Người xưa có câu: “Càng quen càng lèn cho đau”, cũng như nếu cho người thân vay tiền nhưng sau đó họ lại không muốn trả, làm sao ta dám đòi? Đặc biệt, người quen biết, thân quen đó vốn dĩ có những thói hư tật xấu như lười biếng, tham lam, ỷ lại, lợi dụng… thì cho vay tiền khác vào một đi không trở lại?
Những người bạn đã biết có tính cách như vậy thì càng không nên dính dáng chuyện bạc tiền, bởi nếu cho mượn thì đôi khi tiền mất mà tình cảm máu mủ ruột rà cũng sứt mẻ theo.
2. Kiểu người không có ý định trả nợ
Trước khi cho vay, hãy hỏi dò họ vài vấn đề liên quan đến chuyện vay tiền của họ, quan điểm của người đó về tiền và vấn đề vay mượn. Hay để chính xác hơn ta nên tự đi điều tra, hỏi những người thân cận xem họ có từng có “tiền sử” gì trong chuyện tiền nong không.
Gặp những kiểu người chầy mửa, dằng dai, thích vay nợ để thoả mãn thú vui tạm thời… bạn nên tuyệt đối tránh xa, vì cho họ mượn tiền đôi khi lại mất luôn cả mối quan hệ, nặng hơn còn là kiện tụng, ẩu đả, ảnh hưởng cả danh dự của chính bạn.
3. Người xa lạ
Cho người ta quen biết vay tiền đã lo, cho người ngoài mà ta không quen không biết còn rủi ro hơn. Đôi khi họ sẽ hứa hẹn những khoảng lợi ích khổng lồ hay lãi suất cao, nhưng nên nhớ quy luật của đầu tư là lợi nhuận càng cao rủi ro cũng sẽ càng cao.
4. Người bỗng dưng xuất hiện để vay tiền
Người này với bạn vốn không giữ liên lạc với nhau, nay bỗng dưng xuất hiện và muốn vay tiền, chắc chắn bạn nên đặt một dấu chấm hỏi to tướng: Tại sao họ lại chọn ta làm đối tượng mượn tiền? Bởi nếu đã một thời gian dài không liên lạc, chẳng ai lại đủ can đảm đi mượn tiền, trừ khi có gì đó ẩn đằng sau. Thế nên hãy cẩn trọng!
5. Người đạo đức giả
Nếu biết được một người có tính đạo đức giả, bạn không những không nên cho mượn tiền mà còn cần hạn chế giao thiệp qua lại với họ. Họ bản chất là những kẻ biết tranh thủ thời cơ, tận dụng rồi trục lợi cho bản thân, không đáng để tin tưởng.
Thế nên đối chiếu lại câu nói của Shark Việt, thật chẳng sai chút nào: Muốn giúp đỡ ai thì phải suy nghĩ kỹ, từ bi nhất định phải song hành với trí tuệ, chớ biến bản thân thành kẻ ngốc bị người khác lợi dụng.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị, Intracom
Xem thêm bài liên quan
- Shark Việt: Doanh nhân chân chính không phải để lại cho đời bao nhiêu tiền, mà là giá trị nhân văn
- Shark Việt: “Doanh nhân để lại cho đời không phải bao nhiêu tiền, mà là giá trị nhân văn”
- Ông Đặng Lê Nguyên Vũ vay 200 triệu trả suốt 23 năm và bài học từ cách “trả nợ”: Có thể nghèo nhưng không thể bội tín