Theo chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú, trong cuộc sống, muốn vượt trội lĩnh vực này phải hy sinh đâu đó những việc khác. Mỗi giai đoạn, mỗi lứa tuổi có những điều kiện mà tại đó nếu đánh đổi sẽ được gì và mất gì. Nếu bạn thấy cái bạn nhận được thật sự có ý nghĩa với cuộc sống của mình thì nên đánh đổi.
Shark Nguyễn Xuân Phú là vị “cá mập” quen thuộc trên sóng Shark Tank Việt Nam. Ông được khán giả yêu quý một phần bởi những phát ngôn, nhận định về kinh doanh rất “chất” của mình. Khán giả cũng nhận thấy Shark Phú rất ít khi chia sẻ chuyện gia đình, đời tư cá nhân.
Trong một lần hiếm hoi nói về cuộc sống gia đình, ông chủ Sunhouse tâm sự: “Cuộc sống gia đình càng hiện đại thì càng bận rộn. Các dịch vụ phát triển rất nhanh, số lượng người trong gia đình ngày càng ít, và thời gian chúng ta dành cho gia đình cũng cứ thế vơi dần.
Trước đây, tôi rất bận, nhiều lúc có cảm giác bị công việc cuốn đi, không để ý tới gia đình. Hôm thì phải đi tiếp khách, hôm đến lượt khách mời, hôm thì bận họp… những việc ấy cứ cuốn chúng ta đi, khiến tôi nhiều khi tự hỏi, vậy thì ý nghĩa cuộc sống là gì?”.
Không chỉ giai đoạn khởi nghiệp, ngay cả khi Sunhouse đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, ông vẫn tiếp tục bị những khía cạnh khác của công việc cuốn đi. Có giai đoạn, cả tuần ông đi tiếp khách, không về ăn cơm với gia đình. Đến hôm không bận việc, được về sớm thì nhà cửa trống trải, thiếu người này người kia. Lúc ấy bản thân mới cảm nhận rõ ràng thấy có gì đó hụt hẫng, cô đơn.
Tuy nhiên, “vua chảo” cho rằng đây không phải vấn đề của riêng mình mà là câu chuyện nhiều người phải trải qua, để đổi lại thành công trong sự nghiệp.
Trong một sự kiện khác, Shark Nguyễn Xuân Phú cũng chia sẻ: “Có một nguyên tắc thế này: bao giờ cạnh núi cao cũng là vực sâu, còn đồng bằng bằng phẳng thì tất cả xung quanh sẽ bằng phẳng. Cuộc sống cũng vậy, muốn vượt trội lĩnh vực này phải hy sinh đâu đó những việc khác. Vì thế những người thành công vang dội trong sự nghiệp phải hy sinh nhiều điều nhất định”.
Ông chủ Sunhouse lý giải rằng mỗi người, mỗi ngày đều có 24 giờ giống nhau, chỉ khác nhau cách sử dụng. Ví dụ, nếu một người tiêu dùng kiểu đều đều, 1 tiếng cho gia đình, 1 tiếng chơi thể thao, 1 tiếng học tập,… thì mọi thứ họ có sẽ không nổi bật xuất chúng. Nhưng ngược lại, nếu muốn chơi thể thao giỏi, họ sẽ phải tập trung 10 tiếng/ngày, nghĩa là mất đi 9 tiếng dành cho việc khác.
“Tôi nghĩ cuộc đời là sự công bằng. Ai muốn hài hoà sẽ không có đỉnh cao. Muốn đỉnh cao phải chấp nhận khiếm khuyết. Điều đó là bình thường, do lựa chọn của mỗi người mà thôi”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, Shark Phú nhận định sự đánh đổi của người trẻ có thể khác với giai đoạn của mình do hoàn cảnh xã hội đã thay đổi.
Cụ thể, những năm 1980-1990, Việt Nam vừa thoát khỏi chiến tranh, cuộc sống khó khăn thiếu thốn nhiều thứ, đặc biệt là về kinh tế, vật chất, thì chuyện đánh đổi là cần thiết.
Còn trong giai đoạn hiện nay, thời thế đã thay đổi. Đất nước phát triển đến một mức ổn định nhất định thì điều mọi người cần là một xã hội hài hoà, mọi thứ cân bằng. Như vậy, một người hy sinh để đánh đổi có khi lại thành lạc lõng.
Tại Nhật Bản, người sinh ra ở giai đoạn 1930-1940 là những người thay đổi đất nước. Ở Hàn Quốc, thế hệ sinh năm 1950-1960 là những người làm nên sự bứt phá thần tốc cho quốc gia. Giờ thế hệ sinh sau muốn thay đổi, muốn đột phá cũng khó mà thay đổi được, tức là thời thế tạo anh hùng.
Tại Việt Nam, Shark Phú nhận định thế hệ 7x, 8x hay 9x là thế hệ có khả năng thay đổi vận hội đất nước. Với thế hệ từ 2000 trở đi, “có muốn cũng không được” bởi xuất phát điểm của quốc gia đã khác: cuộc sống tương đối ổn định về vật chất nên không đòi hỏi sự đánh đổi bằng mọi giá như trước đây mà hướng tới sự hài hoà cân bằng.
“Ý tôi muốn nói là mỗi giai đoạn, mỗi lứa tuổi có những điều kiện mà tại đó nếu đánh đổi sẽ được gì và mất gì. Nếu bạn thấy cái bạn nhận được thật sự có ý nghĩa với cuộc sống của bạn thì nên đánh đổi, còn đánh đổi mà chả được gì thì đánh đổi làm gì”, vị “cá mập” bày tỏ.
Tuy nhiên, Shark Phú nhấn mạnh sự đánh đổi có đáng giá hay không, chỉ chính bản thân người trong cuộc mới biết, không ai biết thay được. Vì thế, không nên bắt chước theo ai mà chỉ nên quan sát, học hỏi.
“Tôi nghĩ một gia đình có khoảng 100 tỷ thôi là đầy đủ phục vụ, nhiều tiền có khi là khổ chứ không hạnh phúc”
– Các cụ thường có câu người tuổi Hợi thường sung sướng, nhàn hạ và giàu có. Ông cũng tuổi Hợi, vậy ông thấy điều các cụ đúc kết có đúng không?
– Xét người thành danh trên thế giới thì có tất cả các tuổi khác nhau. Trong mỗi độ tuổi đều có người nhàn, người khổ, người thành, người bại. Tôi không cho rằng tuổi Hợi khác với tuổi khác. Trong mỗi độ tuổi đều có người này người khác do tác động bởi gia đình, môi trường, nền giáo dục, nhiều yếu tố cấu thành sự thành bại, sướng khổ của mỗi con người.
– Jack Ma đã về hưu khi 40 tuổi. Ông cũng nói yêu thích việc truyền đạt kỹ năng kinh nghiệm cho lớp trẻ. Ông có nghĩ mình sẽ nghỉ hưu sớm để làm thầy giáo hay người truyền cảm hứng hay không?
– Đa phần con người ta đều có một chu kỳ. Như các cụ nói tre già, măng mọc, đời người sinh ra từ cát bụi, khi chết cũng về với cát bụi. Chúng ta sinh ra đều có giai đoạn trẻ già, đó là quy luật của tạo hóa. Người trẻ thì ai cũng khát khao muốn mình làm được điều gì đó.
Khi vượt qua thế hệ đó, đã tích lũy đầy đủ kinh nghiệm rồi, tích lũy đầy đủ các hành trang rồi, vật chất và cả tinh thần rồi, chuyển sang thế hệ tuổi già, thì chúng ta luôn luôn có xu hướng đi tìm và chuyển giao lại những gì mình có.
Thông thường những người đã về hưu thường có nhu cầu đi làm cố vấn, thầy giáo, các võ sư thì đi tìm truyền nhân. Tích lũy bao năm để học ra các thế võ, mà chết đi không truyền được cho ai thì rất đau khổ.
Tôi cũng như những người khác, mong muốn tìm được người để truyền lại từ kinh nghiệm quản lý, cũng như những gì mà mình tích tụ từ hồi trẻ tuổi, để không bị lãng phí đi, đó cũng là một trong những lý do tôi tham gia Shark Tank.
– Khi tìm được người truyền lại, ông có sẵn sàng để lại công ty của mình? Nói cách khác ông muốn Sunhouse là công ty gia đình hay là một công ty đại chúng?
– Trong công ty tôi đang chia cả 2 dạng. Một dạng đi theo gia đình trị, một dạng đi theo công ty đại chúng, để xem mô hình nào hơn mô hình nào. Kinh nghiệm thế giới chứng minh cả 2 mô hình đều có ưu và nhược. Những công ty tồn tại vài trăm năm nay chủ yếu là công ty gia đình. Còn những công ty đa quốc gia, lại đa phần là công ty đại chúng.
Tôi đang xem mô hình nào tốt hơn, hoặc có thể cho tồn tại cả 2.
– Shark Phú là một người truyền cảm hứng rất giỏi, chắc hẳn con cái ông sẽ rất hạnh phúc?
– Tôi nghĩ là bất hạnh hơn hạnh phúc. Khi có một người có cái bóng quá lớn, dù những đứa trẻ rất giỏi, rất thành công, thiên hạ luôn nghĩ sự thành công đó nhờ cha mẹ. Tôi nghĩ rằng những đứa trẻ đó, sinh ra ở những gia đình có bố mẹ, ông bà thành công, là bất hạnh hơn những đứa trẻ sinh ra ở gia đình khổ sở.
Tôi chứng kiến nhiều bạn trẻ sinh ra ở các gia đình có điều kiện, nhưng họ cảm thấy tiêu cực, họ làm ra được nhưng thiên hạ không công nhận.
Tôi chỉ mong muốn rạch ròi việc đó, để con cái mình tự tạo ra giá trị của bản thân, của riêng nó. Mình cũng không cố gắng dùng các uy tín, lợi thế của mình để giúp đỡ các bạn ấy. Chỉ cố gắng khuyến khích các bạn ấy tự lập, làm sao đi theo con đường riêng của mình. Khi nào thực sự trải nghiệm rồi, quay lại tham gia công ty. Tôi không gò ép theo nghiệp gia đình, mà do các bạn tự quyết định.
– Vợ có bao giờ phàn nàn về một người chồng doanh nhân quá bận rộn hay không?
– Chắc chắn. Người phụ nào cũng mong muốn chồng dành nhiều thời gian cho gia đình. Tôi vẫn chia sẻ với vợ rằng cuộc đời cái gì cũng có giá của nó. Cạnh hòn núi cao bao giờ cũng có vực sâu. Ở cạnh người thành đạt ở lĩnh vực này thì bao giờ cũng thua thiệt ở lĩnh vực khác. Rất khó để hài hòa, mà hài hòa thì mọi thứ lại bình bình.
Mọi người phải đứng ở góc nhìn của người khác, để hiểu và chia sẻ được, rồi chấp nhận. Mong muốn một cái gì đó hoàn hảo thì rất khó. Muốn một người đàn ông thành đạt thì phải chấp nhận việc có ít thời gian họ trao cho mình.
Tôi nghĩ đó là cái giá của sự đánh đổi. Rất may bà xã tôi rất hiểu việc đó nên chỉ phàn nàn cho vui thôi.
– Tiền với ông bao nhiêu là đủ? Ông sẽ còn kiếm tiền đến bao giờ?
– Thực ra nếu nói về tài sản cá nhân, tôi cho rằng chỉ cần tiền đủ để trang trải nhu cầu tối thiểu như ăn uống, đi lại, nhà cửa. Nếu lớn hơn số đó không có nhiều giá trị cho cá nhân. Tôi nghĩ một gia đình có khoảng 100 tỷ thôi là đầy đủ phục vụ. Lớn hơn 100 tỷ để phục vụ cá nhân thì không còn nhiều giá trị.
Tuy nhiên, tiền là vật ngang giá, là phương tiện để ta đạt được mục đích. Nếu ai đó có tham vọng làm thay đổi thế giới, tạo cái gì đó cho thế giới thì lại phải cần rất rất nhiều tiền. Vậy thì tôi nghĩ tiền nhiều chỉ có ý nghĩa cho người có tham vọng, muốn làm gì đó cho nhân loại. Nếu cá nhân nào không có tham vọng đó, không nhất thiết phải nhiều tiền làm gì.
Bởi nhiều tiền có khi là khổ, chứ không hạnh phúc đâu.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị, Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Shark Phú tâm niệm: “Giàu thật ít ai để của cải ra ngoài, mấy ông không có gì mới khoe đi Rolls-Royce này kia”
- Shark Phú tâm niệm: “Giàu thật ít ai khoe của cải, người không có gì mới khoe đi Rolls-Royce này kia”
- Shark Phú: “Tôi nghĩ một gia đình có khoảng 100 tỷ thôi là đầy đủ phục vụ, nhiều tiền có khi là khổ chứ không hạnh phúc”