Chúng ta thường nghe báo chí, truyền thông xây dựng hình ảnh các tỷ phú Ả Rập tiêu tiền như nước. Xin thưa đấy là hình ảnh lệch lạc, chỉ phản ánh một góc nhỏ về cách đầu tư, tiêu tiền của các tỷ phú Ả Rập.
Sự lệch lạc hình ảnh về tiêu tiền của người giàu có
Chúng ta thường nghe báo chí, truyền thông xây dựng hình ảnh các tỷ phú Ả Rập tiêu tiền như nước. Nào là cung điện, khách sạn rát vàng, máy bay và du thuyền siêu sang, bỏ cả tỷ đô la cho thú vui nghệ thuật, ném cả tỷ đô la vào thú vui bóng đá (CLB Man City của Anh và PSG của Pháp).
Ngay Qatar, nước chủ nhà World Cup vừa rồi cũng được truyền thông xây dựng hình ảnh chi đến 200 tỷ đô la cho kỳ World Cup 2022, số tiền lớn hơn tất cả số tiền chi cho tất cả các kỳ World Cup trước đây cộng lại.
Xin thưa đấy là hình ảnh lệch lạc, chỉ phản ánh một góc nhỏ về cách đầu tư, tiêu tiền của các tỷ phú Ả Rập. Sự thực thì các tỷ phú Ả Rập đầu tư và tiêu tiền rất khôn ngoan, không trọc phú như báo chí, truyền thông hay vẽ ra để câu khách.
Các bạn có biết Quĩ Đầu tư Hoàng gia Qatar QIA, trong 5 năm 2017-2021 kiếm được 223,48 tỷ USD từ các khoản đầu tư trên toàn cầu, trong đó riêng năm 2021 thu được 97,9 tỷ USD, năm 2019 thu được 82,8 tỷ USD hay không (theo Global SWF Data Platform).
Các bạn có biết, chỉ riêng cổ tức bằng tiền của các công ty Anh trên sàn chứng khoán London (LSEL), từ đầu năm 2022 đến nay đã trả cho QIA Holding (công ty con của QIA) đã lên đến 0,5 tỷ USD (riêng Glencore đã 387 triệu USD).
Các bạn có biết, tuy là quốc gia dầu mỏ, sản lượng dầu thô trên đầu người cao gấp 14 lần Mỹ, gấp 7 lần Nga; sản lượng khí đốt trên đầu người gấp 20 lần Mỹ, gấp 12 lần Nga, thế nhưng hiện tại dầu khí chỉ đóng góp có cỡ 50% GDP quốc gia còn các khoản đầu tư ra nước ngoài mang lại 50% cho GDP cho Qatar.
Hiện tại QIA đang quản lý một lượng tiền đầu tư lên đến 445 tỷ USD (cuối năm 2021). QIA đầu tư ở 40 quốc gia, trong đó có Anh (~40 tỷ USD), Mỹ (45 tỷ USD), Đức (25 tỷ USD), Pháp (10 tỷ USD), Tây Ban Nha (5 tỷ), Australia, Trung Quốc (10 tỷ USD), Malaysia (5 tỷ USD), Singapore (5 USD), Pakistan. Chưa hết, người dân Qatar còn đầu tư cỡ 5,9 tỷ USD vào Bất động sản ở Anh.
QIA là cổ đông lớn của rất nhiều tên tuổi lẫy lừng của Châu Âu trong đó có các ngân hàng Barclays, Credit Suisse, Deutsche bank, sàn giao dịch chứng khoán London; các tập đoàn đầu khí Total, Shell; các tập đoàn công nghệ: Siemens, France Telecom, Điện lực Đức RWE, ô tô Volkswagen, Porsche, Hochtief, Technip; các Ritz Hotel, Harrods, Lagardere, Sainsbury; các sân bay Heathrow (Anh), Islamanad (Pakistan), cảng Tarraco Marina (Tây Ban Nha). Tỷ lệ sở hữu cổ phần của QIA ở những tập đoàn lớn này cỡ từ 4,6% đến 21% (20% sân bay Heathrow, 21% Siemens, 17% Volkswagen, 22% Sainsbury).
Riêng World Cup vừa rồi, thực ra Qatar chỉ chi có 10 tỷ USD để xây 8 sân vận động thôi, còn 190 tỷ USD còn lại là xây một thành phố mới, xây tàu điện ngầm, nâng cấp sân bay, hệ thống hạ tầng giao thông, xây khách sạn, toàn những công trình đầu tư lâu dài. Thực chất con số 200 tỷ chỉ để truyền thông thôi.
Nhìn vào các khoản đầu tư, các doanh mục đầu tư, các khoản lợi nhuận thu về thì thấy các tỷ phú Ả Rập đâu có ném tiền qua cửa sổ, họ đầu tư khôn ngoan và hiệu quả đấy chứ.
Tác giả: Đỗ Cao Bảo – Thành viên HĐQT FPT
Từ một vùng đất cằn cỗi, vì sao Qatar trở thành đất nước giàu bậc nhất hành tinh?
Qatar là đất nước vừa được cả hành tinh dõi theo vì là nơi đăng cai tổ chức kỳ World Cup 2022. Trước đó, cái tên Qatar không phải quá quen thuộc với hầu hết mọi người. Hình dung của chúng ta về Qatar thường bao gồm: nằm ở Trung Đông, nhỏ bé và giàu có.
Nhưng bạn có biết rằng Qatar không chỉ đơn giản là giàu có mà còn giàu có đến mức xếp hàng đầu thế giới?
Trong suốt nhiều năm qua, Qatar vẫn luôn đứng trong top 5 danh sách giàu nhất thế giới tính theo GDP đầu người, và không ít lần xếp hạng 1. Qatar giàu có hơn cả UAE – đất nước thường được coi như biểu tượng của sự giàu mạnh.
Thế nhưng chỉ vài chục năm trước thôi, Qatar là một vùng đất khô cằn. Quốc gia này mới giành được độc lập từ Vương quốc Anh vào năm 1971. Vào thời điểm đó, đây là một trong những nền kinh tế nghèo nhất ở Trung Đông, chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp đánh bắt cá.
GDP bình quân đầu người của Qatar đã tăng từ 2.755 USD (khoảng 68 triệu đồng) vào năm 1970 lên con số khổng lồ 61.276 USD (khoảng 1,5 tỷ đồng) vào năm 2021. Tổng tài sản quốc nội của đất nước chỉ vỏn vẹn gần 3 triệu dân là 179,6 tỷ USD.
Trong 3 thập kỷ qua, Qatar đã chuyển mình thành một trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới một cách quá nhanh chóng. Hầu hết mọi người tin rằng nguyên nhân thành công kinh tế của họ là do phát hiện ra dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
Mặc dù dầu mỏ và khí đốt đã thực sự đóng một vai trò quan trọng trong việc biến Qatar thành một nền kinh tế hùng mạnh, nhưng có tài nguyên thiên nhiên không mặc định có nghĩa là bạn sẽ trở nên giàu có. Ví dụ, hãy nhìn vào Venezuela hoặc Bắc Triều Tiên.
Vậy làm thế nào mà quốc gia nhỏ bé nhỏ hơn cả bang California này có thể chuyển mình thành một cường quốc kinh tế toàn cầu? Câu trả lời không quá phức tạp: Qatar không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà quan trọng hơn cả, họ còn biết cách sử dụng chúng một cách hiệu quả.
Vì sao mỏ khí đốt luôn ở đó nhưng Qatar mới chỉ “phất” lên gần đây?
Các mỏ dầu đầu tiên được phát hiện ở Qatar vào những năm 1940. Nhưng nó không biến Qatar thành một quốc gia giàu có. Vào những năm 1970, “tài sản” lớn nhất ở đất nước này mới được tìm thấy, đó là mỏ khí đốt lớn nhất thế giới nằm ở phía Bắc.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên không nhiều do nó chỉ có thể được vận chuyển bằng đường ống dẫn. Qatar cũng cách xa những nơi có nhu cầu về khí đốt tự nhiên, đây là một vấn đề lớn. Vì vậy, họ sớm quên đi số lượng mỏ khí đốt khổng lồ của mình.
Vào năm 1996, tiểu vương Hamad bin Khalifa al Thani bắt đầu cho khai thác các mỏ khí đốt lớn. Vị tiểu vương đầu tư vào công nghệ hiếm như hóa lỏng để có thể mang khí tự nhiên ở dạng lỏng, giúp nó có thể vận chuyển bằng tàu lớn giống như dầu.
Qatar, dù khi đó còn là nước nghèo đã mạo hiểm đầu tư rất nhiều tiền vào việc phát triển các công nghệ này để tăng nhu cầu về khí đốt của họ từ các nền kinh tế ở xa.
Nỗ lực này tất nhiên đã được đền đáp. Đến nay, Qatar có chi phí khai thác và hóa lỏng dầu rẻ nhất trên thế giới, cho phép họ kiếm được lợi nhuận ngay cả với giá thấp. Hầu hết khí đốt tự nhiên của vương quốc được xuất khẩu sang các nền kinh tế châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tiết kiệm hơn là chi tiêu
Việc có trữ lượng dầu khí lớn không đảm bảo một nền kinh tế giàu có. Qatar biết rằng doanh thu từ dầu mỏ rất dễ biến động, vì vậy họ bắt đầu tiết kiệm số tiền thu được từ khoáng sản rồi đem đi đầu tư khắp thế giới.
Cơ quan đầu tư của Qatar là một quỹ do chính phủ thành lập vào năm 2005. Với tư cách là một quỹ tài sản có chủ quyền, quỹ này đầu tư số tiền nhận được từ doanh thu từ dầu mỏ để giúp nền kinh tế trở nên bền vững hơn và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ trong dài hạn.
Tính đến năm 2022, quỹ đầu tư Qatar có giá trị khổng lồ 360 tỷ đô la. Nó đã “trải tiền” đầu tư trên toàn cầu, vào nhiều loại tài sản như bất động sản, công ty đại chúng và tiền tệ.
Qatar là nền kinh tế Trung Đông đầu tiên đăng cai FIFA World Cup vào năm 2022, điều này cho thấy sức mạnh và sự giàu có của Qatar.
Nguồn: Business Insider, Medium/Tổ quốc
Xem thêm bài liên quan
- 10 cái “Không” trong cách tiêu tiền của các tỷ phú: Không nghỉ hưu, không để lại tài sản cho con cái,… Bạn có bao nhiêu?
- 10 cái “Không” trong cách tiêu tiền của các tỷ phú hàng đầu thế giới: Không nghỉ hưu, không để lại tài sản cho con cái,…
- Sếp FPT Đỗ Cao Bảo trả lời câu hỏi “Doanh nhân thành công có học không, có đọc sách không?” Xin thưa, doanh nhân có học, có đọc sách chứ