Đừng để niềm kiêu hãnh cá nhân, cái tôi cá nhân vượt lên trên lý trí như Steve Jobs, bởi thiên tài như ông cũng từng mắc sai lầm khiến tài sản “bốc hơi” 31,6 tỷ USD, không lọt top 50 người giàu dù điều hành đế chế giá trị nhất hành tinh.
Khi Steve Jobs qua đời, tài sản của ông chỉ có giá trị 10,4 tỷ USD và cổ phiếu Apple chỉ có 2,2 tỷ USD. Người đàn ông mà nhiều người coi là doanh nhân vĩ đại nhất mọi thời đại thậm chí không lọt vào danh sách 50 người giàu nhất trên thế giới.
Còn nhớ vào năm 2011, Apple là đứa con cưng của Thung lũng Silicon và đã trở thành công ty giá trị nhất trên thế giới. Microsoft bị tụt lại rất xa sau khi thảm họa của Windows 8 diễn ra. Tuy nhiên, Bill Gates ngồi trên một núi tiền 50 tỷ USD và thường xuyên là người đàn ông giàu nhất trên Trái đất.
Tại sao lại có sự tương phản lớn như vậy? Thông qua những con số, bạn có thể kết luận Gates là một doanh nhân thành công hơn Jobs rất nhiều. Tất cả sự khác biệt đều xuất phát từ những quyết định trong cơn phẫn nộ vào năm 1985, trong thời điểm đen tối nhất sự nghiệp của Jobs khiến ông tiêu tốn 31,6 tỷ USD.
Mặc dù Jobs được khen ngợi hết lời vì sự trở lại của ông tại Apple năm 1997, nhưng đừng sai lầm khi tin rằng ông là người hoàn hảo. Ông ấy đã đưa ra những quyết định cảm tính để lại cho ông một “di sản” kém ấn tượng hơn nhiều.
Dù chúng ta nên học hỏi từ thành công của ông ấy, nhưng chúng ta cũng phải học hỏi từ những thất bại của ông. Ngay cả những người giỏi nhất cũng mắc sai lầm.
Steve Jobs – Vị tỷ phú nóng nảy giận dữ
Steve Jobs quá tài năng trong việc quảng cáo điểm tốt đẹp của bản thân mình:
“Anh có muốn bán nước có đường suốt quãng đời còn lại không? Hay anh muốn đi cùng tôi và thay đổi thế giới? ” – Steve Jobs
Những câu chữ nổi tiếng này đã thuyết phục John Sculley rời Pepsi và trở thành CEO Apple vào năm 1983. Có thể nói Steve Jobs là người có cá tính mạnh mẽ và muốn mọi thứ theo cách của mình.
Việc hai người đàn ông xảy ra xung đột là việc không có gì ngạc nhiên, nhưng Steve đã thua cuộc. 9 năm sau khi thành lập Apple, ông ấy đã ra đi và công ty vẫn tiếp tục phát triển mà không có ông ấy.
Đây chưa phải là điều tuyệt vọng vì Steve vẫn còn 11% cổ phần của Apple. Ông ấy có thể đã nghỉ hưu khi đó và nếu không có sự ảnh hưởng của ông, giá cổ phiếu có lẽ sẽ tăng lên nhiều lần trong 10 năm tới. Trong khi đó, Pixar tăng trưởng nhanh hơn nhiều, mặc dù ông đã cố gắng bán nhiều lần nhưng không tìm được người mua.
Tức giận với Apple, ông đã bán tất cả cổ phiếu của mình chỉ giữ lại một cổ phiếu để tiếp tục nhận báo cáo thường niên mỗi năm. Ông đã tự cắt đứt mình khỏi những thành quả trong tương lai của công ty mà ông đã làm việc chăm chỉ để tạo ra. Đó là một động thái kỳ lạ, vì thông qua hành động giữ lại một cổ phiếu duy nhất, cho thấy ông vẫn quan tâm dù cho có “drama” đến đâu.
Nếu bán 1-2% cổ phần của công ty, ông ấy vẫn có đủ tiền để tài trợ cho Pixar và NeXT. Ông ấy không cần bán, nhưng ông lại tin rằng không có mình thì công ty sẽ diệt vong. Đó là cái tôi và sự sĩ diện hão.
Steve Jobs không bao giờ quan tâm đến tiền
“Khi tôi 25 tuổi, giá trị tài sản ròng của tôi là 100 triệu USD hoặc hơn. Sau đó, tôi quyết định sẽ không để nó hủy hoại cuộc đời mình. Không đời nào bạn có thể tiêu hết được và tôi không coi sự giàu có là thứ chứng minh trí thông minh của mình”. – Steve Jobs
Có lẽ Steve Jobs sẽ không quan tâm đến thứ hạng của mình trên bảng tỷ phú. Ông có nhiều tiền hơn bao giờ hết và quyết định tỉnh táo không sử dụng nó làm động lực chính của mình.
Ông là một người có tầm nhìn xa và những ý tưởng của ông đã thay đổi thế giới mãi mãi. Điều này đã thổi bùng ngọn lửa trong ông và nhiều doanh nhân hàng đầu cũng đã từng đưa ra những tuyên bố tương tự. Elon Musk hiện có giá trị hơn 150 tỷ USD nhưng anh nói rằng anh có quá ít thú tiêu khiển, vậy nó có nghĩa là gì?
Tất nhiên, ở góc độ PR, các tỷ phú sẽ không bao giờ nói rằng động lực của họ là tiền. Khi bạn biết rằng bạn dư sức nuôi con mình hoặc cho chúng vào đại học thì một mục đích cao cả nói sẽ hay hơn. Hãy nhớ rằng, Steve Jobs đã từ chối hỗ trợ tài chính cho con gái mình trong khi hùng hồn tuyên bố rằng ông không quan tâm đến sự giàu có của mình.
Tôi chắc sẽ cười suốt quãng đường đến ngân hàng nếu tôi mua một số cổ phiếu Jobs đã vứt bỏ và giữ lại chúng. Đây là kết quả của cơn nóng giận. Các nhà đầu cơ và nhà đầu tư đã nhận được một món hời từ ước mơ của Jobs khi nó trở thành hiện thực.
Giả sử bạn không quan tâm đến tiền bạc, tốt hơn hết là bạn nên sử dụng số tiền dư thừa vào việc gì đó có ý nghĩa. Bill Gates đã chi hàng tỷ vào việc chăm sóc sức khỏe toàn cầu hoặc những khoản quyên góp nhỏ hơn nhưng có tác động của các doanh nhân trên khắp thế giới cho cộng đồng địa phương của họ.
Chúng ta không phải là Steve Jobs
Hầu hết các doanh nhân đều thất bại và không có nhiều tiền hơn mức có thể đáp ứng mọi thứ họ cần. Thậm chí vào năm 1985, ông ấy còn được may mắn hơn những người đang đọc bài viết này.
Cần có sự chăm chỉ và một ít may mắn để xây dựng một công ty thành công. 20% doanh nhân làm việc 7 ngày một tuần và 57% làm việc 6 ngày. Giả sử bạn xung đột với những người đồng sáng lập hoặc quản lý của mình, điều đó không có nghĩa là bạn không được nhìn thấy thành quả từ thành công trong tương lai của công ty.
Bạn có thể bán phần bạn cần để tài trợ cho điều bạn muốn làm tiếp tới, nhưng hãy suy nghĩ thật lạnh lùng về cổ phiếu còn lại. Hãy tự coi mình là một nhà đầu tư mạo hiểm, họ sẽ giữ cổ phần của mình hay họ sẽ bán sạch sẽ sau một cuộc tranh cãi? Đó vẫn có thể là nơi tốt nhất và có khả năng thu được lợi nhuận lớn hơn so với đầu tư vào chỗ khác.
Điều này không chỉ dành cho các doanh nhân. Trong bất kỳ môi trường nghề nghiệp nào, đừng để niềm kiêu hãnh cá nhân, cái tôi cá nhân vượt lên trên lý trí. Tôi chắc rằng bạn có giá trị nhưng nếu bạn vứt bỏ mọi thứ, liệu người ta có sẵn sàng chào đón bạn quay trở lại nữa không?
Đừng cố gắng trở thành Steve Jobs và hủy hoại tương lai của bạn vì sự trả thù.
Steven Paul “Steve” Jobs (24 tháng 2 năm 1955 – 5 tháng 10 năm 2011) là doanh nhân và nhà sáng chế người Mỹ. Ông là đồng sáng lập viên, chủ tịch, và cựu tổng giám đốc điều hành của hãng Apple, là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất ở ngành công nghiệp vi tính.
Trước đây ông từng là tổng giám đốc điều hành của xưởng phim hoạt hình Pixar; sau đó trở thành thành viên trong ban giám đốc của công ty Walt Disney năm 2006, sau khi Disney mua lại Pixar. Ông cũng là người điều hành sản xuất của bộ phim Toy Story (1995).
Cuối những năm 1970, Steve Jobs cùng nhà đồng sáng lập Apple với Steve Wozniak, Mike Markkula, và một số người khác cùng nhau thiết kế, phát triển và đưa ra thị trường một trong những dòng máy tính cá nhân thành công thương mại đầu tiên, dòng Apple II.
Đầu những năm 1980, Jobs là một trong những người đầu tiên nhìn thấy tiềm năng thương mại của giao diện người dùng điều khiển đồ họa bằng cách sử dụng chuột dẫn đến việc ra đời Macintosh.
Sau khi thất bại trong một cuộc đấu tranh quyền lực với ban giám đốc vào năm 1984, Jobs rút khỏi Apple và sáng lập NeXT, một công ty phát triển nền tảng máy tính chuyên về giáo dục và kinh doanh cao hơn.
Việc Apple mua lại NeXT vào năm 1996 đã đưa Steve Jobs trở lại công ty mà ông là đồng sáng lập, sau đó làm việc ở đó trong vai trò tổng giám đốc điều hành từ năm 1997 cho đến năm 2011. Năm 1986, ông mua lại bộ phận đồ họa vi tính của công ty Lucasfilm, sau đó tách ra thành hãng phim hoạt hình Pixar.
Ông vẫn là tổng giám đốc điều hành và cổ đông lớn với 50,1% cổ phần của Pixar cho đến khi được hãng Walt Disney mua lại vào năm 2006. Do đó Jobs trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất nắm 7% cổ phần và là thành viên của Hội đồng quản trị của Disney.
Quá trình hoạt động kinh doanh của Steve Jobs đã đóng góp nhiều cho các hình ảnh biểu tượng mang phong cách riêng, nhà doanh nghiệp tiêu biểu của Thung lũng Silicon, nhấn mạnh tầm quan trọng của thiết kế và hiểu biết vai trò thiết yếu của tính thẩm mỹ trong việc thu hút công chúng.
Công việc của ông thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm mà chức năng và tính thanh lịch của chúng đã thu hút những người ủng hộ hết mình.
Năm 2005, Steve Jobs tiết lộ rằng mình bị ung thư tuyến tụy. Ngày 24 tháng 8 năm 2011, Steve Jobs tuyên bố từ chức tổng giám đốc điều hành của Apple. Trong thư từ chức, Jobs mạnh mẽ gửi gắm rằng Tim Cook là người kế nhiệm ông.
Do yêu cầu này, Tim Cook được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng quản trị của Apple. Ngày 5 tháng 10 năm 2011, Apple loan tin Steve Jobs đã qua đời ở tuổi 56.