“Anh Vượng là một con người đặc biệt, tạo nên những sản phẩm không chỉ Việt Nam cần mà thế giới cũng cần, những thứ chỉ đi đến thế là cùng rồi’, ông chủ Him Lam Dương Công Minh chia sẻ.
Vỡ nợ vì xoài
Trước đây, xuất hiện trong lễ ra mắt nền tảng giao dịch bất động sản thông minh Homehub.vn, ông Dương Công Minh – chủ tịch HĐQT Sacombank, sáng lập viên, cựu chủ tịch Him Lam – có cuộc nói chuyện thân thiện về chủ đề lập nghiệp.
Với phong cách nhẹ nhàng và hài hước quen thuộc, ông thừa nhận mình “làm thì tàm tạm, nói thì kém lắm” nhưng không hề ngần ngại chia sẻ về 2 điểm cốt yếu nhất để một người có thể khởi nghiệp thành công, và cả lý do bản thân chọn làm giàu chứ không làm quan.
“Ông bà ta vẫn nói: Có chí thì làm quan, có gan thì làm giàu. Chúng ta phần lớn chỉ có gan, chứ chí thì khó lắm, bởi cần đường dài”, ông Dương Công Minh bắt đầu bài nói chuyện với một trải nghiệm tự thân.
Ông nói bản thân có rất nhiều cơ hội để làm “quan” khi tốt nghiệp đại học danh tiếng (đại học Kinh tế Kế hoạch – đại học Kinh tế Quốc dân ngày này), là trung uý quân đội, gia đình cơ bản, có người đỡ đầu. Tuy nhiên, tình yêu với người vợ vốn là con của một quan chức thuộc chế độ cũ đã đưa đẩy đến quyết định không tiếp tục theo nghiệp công chức.
Trước khi rời khỏi ngành, ông Minh làm đang làm tại trung tâm xuất nhập khẩu quân đội tại phía Nam, chủ yếu phụ trách xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam ra nước ngoài và nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc từ nước ngoài vào trong nước.
Trung tâm của ông thường xuất khẩu xoài đi Pháp, chuối đi Đài Loan, tôm cá mực đi Nhật, Hong Kong. Từ đó, ông hiểu được quy trình thu mua và có nhiều kinh nghiệm tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Rời khỏi quân đội, ông đến thăm một người bạn ở Bắc Ninh, vốn đang làm trong công ty xuất nhập khẩu Hà Bắc. Người này đưa ông đi chơi tại Lạng Sơn, và hai chàng trai tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân nhận ra nhu cầu lớn của khách hàng Trung Quốc với sản phẩm xoài, chuối của Việt Nam.
“Xoài khi đó rất hiếm, bởi nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu tự cung tự cấp. Thời chúng tôi tìm hàng xuất đi Pháp, mỗi năm chỉ xuất được 5-10 tấn. Trong khi đó, bạn hàng Trung Quốc của chúng tôi cần lấy rất nhiều hàng.
Năm đầu tôi làm một mình, mỗi chuyến chỉ mang 2-3 xe, nhưng cứ bán 1 thì lời 1. Trong một mùa xoài, tôi bán 1 đồng thì lời 10 đồng, nên ở Việt Nam cũng có rất nhiều người cùng lao vào làm.
Sang năm thứ 2, tôi làm chung với bạn. Tôi đi tìm hiểu thị trường, cậu ấy làm thu mua. Tôi bảo đặt 10 xe xoài, nhưng bạn tôi tính toán bán 10 xe lãi 2 triệu, nếu 100 xe sẽ lãi tới 20 triệu… nên ham quá, vay nóng để mua hẳn 110 xe. 10 xe đầu xoài ngon, nhưng 100 xe sau chỉ là xoài non, mang tới nơi thì thối hết. buộc phải đổ đi. Chúng tôi lỗ, hết sạch vốn. Đó là năm 1989″.
May mắn là 30% thành công
Lỗ vốn, lại vướng nợ vay, ông Minh phải quay về TP HCM bán nhà để trả nợ. Tìm hiểu quy trình hợp thức hoá giấy tờ nhà đất, ông phát hiện ra chi phí cho môi giới quá đắt đỏ, chiếm 1/7 tiền bán nhà. Ông mày mò tự đi tìm cách làm, mất chi phí khoảng 1/10 so với phí cho môi giới.
Nhìn thấy cơ hội, ông không ngại vay nóng, lãi suất cao để mở ra văn phòng chuyên làm giấy tờ về nhà đất. Khi đó là năm 1991, Him Lam trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên làm về nhà đất được mở tại TP HCM.
“Vừa phá sản xong lại vay nóng để mở văn phòng, nghĩ thì rủi ro nhưng thấy cơ hội thì phải liều thôi. Cùng lắm tài sản về âm, nhưng sẽ dương về kinh nghiệm, và nhất là dương về bản lĩnh”.
Nói về quan điểm để lập nghiệp thành công, ông Minh cho rằng điều kiện cần là phải có kiến thức, còn điều kiện đủ là phải có máu liều. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, 30% thành công của ông đến từ may mắn, dù may mắn đó không phải tự nhiên tìm đến.
“Người xưa nói Há miệng chờ sung, nhưng muốn có sung thì cũng phải nằm dưới gốc mới có. Tức là kể cả muốn ăn rung rụng, ta cũng phải tự thân bò đến dưới gốc sung mà chờ. Vậy nên, may mắn không phải tự nhiên tìm đến ta, mà do ta tự vận động tạo ra nó”.
Đừng học Him Lam, hãy học Vingroup
Nói đến chất lượng thị trường bất động sản hiện nay, ông Minh cho rằng các doanh nghiệp lớn giờ đây đều có những quy chuẩn riêng để giữ được chữ tín với khách hàng. Riêng ở Him Lam, tập đoàn làm khoảng 75 dự án, phần lớn đã hoàn thành, được khách đánh giá cao về chất lượng, kinh tế, lúc nào muốn bán lại cũng đều có lãi.
Kim chỉ nam của Him Lam, theo chia sẻ của ông Minh, là làm ra sản phẩm tốt nhất đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng với chất lượng hoàn hảo. Công ty này đang mở rộng thêm các sản phẩm ở Hà Nội, tập trung tại Long Biên, sẽ ra mắt từ năm 2021 và duy trì lượng hàng trong vòng 10 năm.
“Chúng ta đang có 1 doanh nghiệp siêu lớn là Vingroup, người tạo nên những sản phẩm thị trường chưa từng có, như các tiểu thành phố. Chúng tôi, Him Lam, Novaland hay cả HD Mon Holding… cũng muốn được như Vingroup, và Him Lam sẽ là nhà phát triển bất động sản thứ 2 ở Việt Nam làm nên được các thành phố thu nhỏ như cách Vingroup đã tạo được.
Cái mà chúng ta nên học ở đây là Vingroup, chứ không nên học Him Lam, Novaland, vì dù sản phẩm của chúng tôi tốt, nhưng không thể tạo nên những thứ có tính cộng đồng và xã hội, đi đầu như Vingroup.
Anh Vượng là một con người đặc biệt, tạo nên những sản phẩm không chỉ Việt Nam cần mà thế giới cũng cần, những thứ chỉ cần đi đến thế là cùng rồi. Tạo nên những sản phẩm như thế thì cần phải có gan to, thứ hai là nhiều tiền, Anh Vượng thì tiền huy động dễ lắm, nhưng cũng có tầm nhìn rộng và dám làm”.
Theo Nhịp sống kinh tế
Xem thêm bài liên quan
- Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Hạ cái tôi xuống thì các doanh nghiệp Việt mới “cùng nhau lớn mạnh” vươn ra thế giới được
- Thấy gì từ chiến lược kinh doanh chủ tịch Phạm Nhật Vượng đặt ra cho VinFast: “Xe tốt – Giá tốt – Hậu mãi cực tốt”, trả 1 triệu đồng mỗi ngày cho khách có xe bị lỗi
- Giải mã những biệt danh “để đời” của các đại gia Việt mà ít người hiểu tường tận