Nếu bạn gặp một tỷ phú tự thân thì đừng ghen tị vì họ giàu. Hãy ghen tị vì nỗ lực không mệt mỏi của họ. Ai chưa giàu cần lập tức học tập ở họ!
Vì sao thành công lại khó đạt được đến vậy? Người giàu có điều gì đặc biệt mà chúng ta không có? Liệu tồn tại công thức nào để tích lũy khối tài sản khổng lồ giống họ hay không?
Tom Corley – tác giả cuốn “Thói quen thành công của những triệu phú tự thân” đã dành ra 5 năm nghiên cứu để giúp bạn trả lời những câu hỏi trên. Sau khi quan sát và ghi lại thói quen hàng ngày của 233 người giàu (với thu nhập hàng năm ít nhất 160.000 USD và tài sản tối thiểu 3,2 triệu USD), ông nhận ra triệu phú nào cũng từng đi qua 4 con đường cơ bản:
Tiết kiệm – Đầu tư: Bất kể đang làm công việc gì, những người thuộc nhóm tỷ phú đều giữ thói quen tiết kiệm và đầu tư. Họ luôn nghĩ cách để tài sản của mình gia tăng không ngừng thay vì để chúng ngủ quên trên những con số kỷ lục.
Thăng tiến: Đa phần các tỷ phú đều từng làm việc cho các tập đoàn lớn và cống hiến rất nhiều thời gian, công sức cho đến khi đạt được thành tựu nhất định, chẳng hạn như vị trí quản lý cấp cao với mức lương cực khủng.
Chuyên gia: Sau khi không ngừng phấn đấu, họ lọt top những người giỏi nhất trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, ví dụ như y học hay luật. Họ sở hữu bằng cấp cao với mức lương vô cùng hậu hình.
Đam mê: Hầu hết các tỷ phú đều “yêu” công việc họ đang làm. Đơn giản vì chúng vừa giúp họ thoả mãn đam mê, vừa giúp họ kiếm rất nhiều tiền.
Khoảng 28% những người giàu được Corley nghiên cứu đều thuộc nhóm này. Họ có tài sản trung bình 7,4 triệu USD và tích lũy khối tài sản đó chỉ sau hơn 10 năm. Chính vì vậy, Corley cho rằng đam mê chính là con đường nhanh nhất song cũng khó khăn nhất để làm giàu.
Ví dụ điển hình cho nhóm “làm vì đam mê” là các tỷ phú tự thân như Elon Musk, Jeff Bezos, Bill Gates hay Mark Zuckerberg. Một người trong số này từng chia sẻ với Tom Corley rằng: “Những lúc tồi tệ nhất, bạn như thể vừa bước chân vào địa ngục vậy. Luôn tồn tại ở đó rất nhiều những rào cản, thất bại, sai lầm và khó khăn tài chính”.
Sở dĩ, con đường làm giàu từ đam mê thường rất khó khăn bởi bạn cần có sức chịu đựng dẻo dai cả về tâm lý lẫn sức lực. Dưới đây là một số nguyên nhân:
– Thời gian làm việc lớn: Hầu hết những người giàu có trong nghiên cứu của Corley đều làm việc 65-67 giờ mỗi tuần. Việc nghỉ ngơi vào cuối tuần hay du lịch giải toả căng thẳng gần như là không có. Điều này khiến tất cả các mối quan hệ của họ, từ gia đình, bạn bè, người thân đều bị ảnh hưởng.
– Áp lực cuộc sống: Trước khi đam mê có thể giúp họ kiếm tiền, hầu hết các tỷ phú tự thân đều gặp khó khăn về tài chính trong thời gian đầu lập nghiệp. Một số người đã phải dùng đến khoản tiết kiệm cuối cùng.
– Rủi ro cao: Về bản chất, nhóm những người “làm vì đam mê” đều là những người liều lĩnh. Họ sẵn sàng đặt cược mọi thứ mình có để thành công. Trên thực tế, hơn nửa số người thuộc nhóm này từng nói với Corley rằng họ đã thất bại và phá sản rất nhiều lần.
– Mất động lực: Đa số những người theo đuổi đam mê tới cùng thường rất tham vọng, nhiều khi với cả những thứ tưởng chừng như bất khả thi. Chính vì vậy, họ thường xuyên bị người khác khuyên dừng lại. Một số chia sẻ với Corley rằng họ đã nhiều lần nghĩ đến việc từ bỏ.
Dẫu khó khăn song những vị tỷ phú này vẫn vượt qua được. Corley đã chỉ ra một số động lực sau đây:
– Không thích làm việc cho người khác: Những người theo đuổi đam mê thích làm việc cho chính mình chứ không phải cho một ai khác. Họ ghét bị ra lệnh và muốn làm mọi thứ theo ý mình.
– Đặt ra mục tiêu: Các mốc mục tiêu theo ngày, tháng, năm và mục tiêu dài hạn đều đặt đặt ra và tuân thủ nghiêm khắc. Với những người giàu, định nghĩa mục tiêu là “thứ cần đạt được” thay vì “thứ có thể đạt được”.
– Không ngừng hoàn thiện bản thân: Dù bận đến mấy, nhóm này vẫn luôn dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để đọc sách, tập thể dục, tham gia hội thảo, các lớp học và mở rộng mối quan hệ.
– Khiêm tốn: Người giàu thường không chi tiền vào những thứ không cần thiết. Riêng về khoản này bạn có thể học tập Bill Gates. Ở thời gian đầu sự nghiệp hay thậm chí là bây giờ, bạn đều hiếm khi thấy vị tỷ phú này ăn hàng sang chảnh hay đi xe hơi đắt tiền.
– Hoàn thành công việc mỗi ngày: Họ luôn trong tâm thế sẵn sàng hoàn thành mỗi khi bắt đầu công việc. Những người trong nhóm này thường hoàn thành ít nhất 70% – 80% công việc trong danh sách list to do mỗi ngày.
– Không nản lòng trước thất bại: Thử thách đối với người giàu chỉ như một cách để họ hoàn thiện bản thân hơn. Nhóm này rất kiên trì vì tin rằng mình sẽ thành công. Vì vậy, nếu gặp một triệu phú tự thân, đừng ghen tị vì họ giàu. Hãy ghen tị vì nỗ lực không mệt mỏi của họ.
Làm việc vì đam mê như Warren Buffett: Từng không hề hỏi lương khi chưa là tỷ phú, cuối tháng mới biết nhận được bao nhiêu tiền
Warren Buffett là một trong những tỷ phú hàng đầu thế giới. Với kinh nghiệm sống và kinh doanh dày dạn, ông đã nhiều lần đưa ra những lời khuyên có ích cho giới trẻ. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, ông chia sẻ với tác giả Gillian Zoe Segal: “Hãy tìm cách để làm việc cho người mà bạn ngưỡng mộ nhất. Đó không nhất thiết phải là công việc bạn sẽ gắn bó trong 10 năm tiếp theo nhưng nó sẽ giúp bạn có cơ hội nhận được rất nhiều thứ vô giá trong suốt quá trình này”.
Tỷ phú 91 tuổi đưa ra lời khuyên đó dựa trên kinh nghiệm của bản thân. Khi mới bắt đầu sự nghiệp và chưa kiếm được hàng tỷ USD, Buffett từng làm việc cho Benjamin Graham – người thầy vĩ đại của ông, mà không hề hỏi thù lao là bao nhiêu. Chỉ khi đến cuối tháng nhận lương, ông mới biết con số cụ thể.
Buffett cho biết Graham là người mà ông ngưỡng mộ nhất và quyết định làm việc cho người đó đã được đền đáp xứng đáng. Graham là thầy của Buffett tại trường Kinh doanh Columbia và là người đã giúp định hình triết lý đầu tư cũng như sự nghiệp của ông.
“Dù tiền lương là yếu tố quan trọng nhưng bạn không thể làm một công việc chỉ vì tiền. Làm việc cho người mình ngưỡng mộ, người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm, bạn sẽ học hỏi được vô số điều có ích cho sự nghiệp. Mặt khác, bạn không bao giờ nên làm việc cho hoặc cùng những người khiến bạn không thoải mái.
Trên thực tế, tôi chỉ làm việc với những người mà tôi có cảm tình. Nếu có thể kiếm 100 triệu USD mà phải hợp tác với người khiến mình phát điên, tôi thà không làm còn hơn. Cuộc sống quá ngắn để làm việc với những người như vậy”, huyền thoại đầu tư cho biết.
Khi quý mến một người, Buffett có thể hợp tác và duy trì mối quan hệ với người đó trong nhiều năm. Ông và tỷ phú Bill Gates đã có tình bạn bền vững trong hơn 30 năm qua. Họ cùng nhau tham gia sự kiện, chơi golf… và cùng thành lập The Giving Pledge – chương trình khuyến khích các tỷ phú quyên góp phần lớn tài sản cho các hoạt động từ thiện.
Charlie Munger, phó Chủ tịch Berkshire Hathaway và cộng sự lâu năm của Buffett cũng đưa ra lời khuyên tương tự: “Đừng làm việc cho bất kỳ ai mà bạn không tôn trọng và ngưỡng mộ. Hãy chỉ làm việc với những người bạn yêu mến”.
Hai vị tỷ phú đều đồng ý rằng lời khuyên này hiệu quả nhất khi bạn chọn con đường sự nghiệp mình thực sự quan tâm và hứng thú. Munger chia sẻ: “Tôi hầu như chưa bao giờ thành công nhiều trong bất cứ điều gì mà mình không hứng thú. Nếu không thể tìm ra điều khiến bạn muốn cống hiến, tôi cho rằng bạn sẽ khó lòng thành công lớn, ngay cả khi bạn là một người cực kỳ thông minh”.
Về phần Buffett, dù đã 91 tuổi nhưng ông vẫn làm việc mỗi ngày và chưa có ý định nghỉ hưu. Ông cho biết mình cảm thấy hạnh phúc nhất khi được làm việc. Trong ngày sinh nhật lần thứ 80, ông phát biểu: “Kế hoạch của tôi là làm việc đến quá 100 tuổi. Tuy nhiên, để đạt được điều này, tôi sẽ phải học suy nghĩ theo cách khác”. Một lần khác, ông chia sẻ: “Tôi nghĩ mình có nhiều niềm vui hơn bất cứ người 90 tuổi nào trên thế giới này khi làm việc tại Berkshire Hathaway”.
Theo Inc, CNBC/Doanh nghiệp tiếp thị, Nhịp sống kinh tế
Xem thêm bài liên quan
- Nhìn tố chất tỷ phú của Bill Gates, Elon Musk mới hiểu vì sao họ “làm việc vì đam mê” mà vẫn nhiều tiền như vậy!
- Nhìn “tố chất tỷ phú” của Bill Gates, Elon Musk mới hiểu vì sao họ “làm vì đam mê” mà vẫn nhiều tiền như vậy!
- Sở hữu cả 41 tỷ USD nhưng tỷ phú Jack Ma lại có món ăn khoái khẩu là mì gói, đâu là lý do?