Ngoài đóng góp trí tuệ làm nên những thành tựu khoa học rực rỡ, người Do Thái còn chứng minh cho thế giới thấy sự thông tuệ và máu kinh doanh ‘liều ăn nhiều’ của họ.
Khi người Do Thái đi đấu thầu…
Một trong những tố chất của những doanh nhân người Do Thái thành đạt là phải khôn ngoan và biết tận dụng cơ hội để mở rộng sự nghiệp kinh doanh. Nếu một doanh nhân không có tinh thần khôn ngoan, không biết chấp nhận mạo hiểm để tăng trưởng lợi nhuận, thì không thể phát triển sự nghiệp đến tột đỉnh vinh quang được.
Trong chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945), khi phát xít Italia chiếm đóng Lybia, các công ty Ý đã tiêu tốn khoảng 10 triệu USD (tương đương với hàng trăm triệu đô hiện nay) để tìm kiếm nguồn dầu mỏ ở Lybia nhưng không đạt được kết quả.
Ngay cả công ty dầu khí danh tiếng Esso cũng bỏ ra gần 1 triệu USD tìm kiếm nguồn dầu mỏ nhưng cũng vô vọng.
Sau chiến tranh, một đại gia khác trong ngành công nghiệp dầu mỏ là Shell đến Libya đầu tư gần 50 triệu USD “đào dầu” trên đất liền và ngoài khơi Lybia. Tuy nhiên, những giếng dầu họ tìm thấy không mang lại giá trị cao như mong đợi.
Câu chuyện tìm dầu tưởng chừng sẽ vô vọng giống câu chuyện đào vàng huyền thoại ở miền Viễn Tây nước Mỹ cho đến khi công ty dầu khí non trẻ Occidental Petroleum (Hoa Kỳ) bổ nhiệm Armand Hammer (1898-1990) làm CEO vào năm 1957.
Armand Hammer vốn xuất thân từ một gia đình Do Thái có truyền thống kinh doanh ở nước Nga. Gia đình ông di cư đến Hoa Kỳ từ năm 1875 và mở một hãng phân phối dược tại New York. Kinh nghiệm từ việc điều hành hãng dược gia đình đã giúp Hammer học hỏi được nhiều điều, đặc biệt là lòng gan dạ, sự khôn khéo tận dụng cơ hội
Sau khi nắm quyền điều hành Occidental Petroleum, ban đầu, Hammer vạch ra chiến lược tập trung nguồn lực vào một số mỏ dầu có tính chất quyết định với công ty, như Lathrop Gas Field ở Lathrop, California, Hoa Kỳ.
Nhân đà kinh doanh thuận lợi, sau thập niên 1960, Occidental bành trướng sang các thị trường ở Peru, Venezuela, Bolivia, Trinidad và nước Anh.
Khi công ty dầu khí Occidental đến Lybia cũng là lúc chính phủ nước này chuẩn bị tiến hành đấu thầu cho thuê đất lần thứ 2. Phần lớn các khu đất cho thuê đều bị những công ty dầu khí thuê đất trước đây bỏ lại.
Theo pháp luật Lybia, các công ty dầu khí phải khai phá vùng đất mà họ đã thuê với thời gian nhanh nhất. Nếu không tìm được nguồn dầu thì họ phải trả một phần đất đã thuê lại cho chính phủ Lybia.
Trong cuộc đấu thầu lần hai, những khu đất cho thuê bao có rất nhiều “giếng khô” đã được tìm thấy, nhưng cũng có rất nhiều vùng sa mạc liền kề với khu vực có dầu mỏ.
Hơn bốn mươi công ty đến từ chín quốc gia khác nhau đã tham dự vào cuộc đấu thầu lần này. Trong đó, nhiều công ty ngoài ngành cũng tham gia với ý định sau khi có được đất họ sẽ chuyển sang cho thuê lại.
Phương thức đấu thầu của Lybia khá đặc biệt. Họ sử dụng một cuộn giấy da dê để làm văn bản bỏ thầu. Sau khi cuộn tròn nó lại, Hammer cố ý buộc bằng ba sợi dây màu hồng, xanh, đen, tương ứng với ba màu sắc biểu trưng trên quốc kỳ Lybia.
Trong nội dung bỏ thầu, Hammer cam kết ông sẽ trích một phần tiền từ lãi gộp chưa trừ thuế để Lybia phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, ông còn hứa sẽ tìm nguồn nước trên ốc đảo sa mạc gần Kufra, quê hương quốc vương và hoàng hậu Lybia.
Vào phút cuối, ông thêm một điều khoản nữa: Một khi tìm ra nguồn nước ở Lybia, ông sẽ cùng chính phủ Lybia xây dựng nhà máy sản xuất khí công nghiệp.
Kết quả không nằm ngoài dự liệu, công ty Occidental của Hammer nhận thầu hai khu đất. Nhưng điều khiến cho các đối thủ lớn kinh ngạc là hai khu đất này chính là nơi đã bị các công ty khác vứt bỏ sau khi đầu tư bất thành.
Người Do Thái kiên trì đúng lúc, chơi lớn đúng chỗ
Không lâu sau khi trúng thầu, hai khu đất này đã trở thành vấn đề khiến Hammer phải đau đầu.
Ông cho khoan thăm dò 3 giếng dầu thì cả 3 đều là các giếng khô. Chi phí khoan giếng tiêu tốn gần 3 triệu USD. Riêng khoản tiền chi cho việc thăm dò địa chấn và quan hệ đối tác với phía Lybia đã ngốn khoảng 2 triệu USD.
Rất nhiều cổ đông của Hammer bắt đầu chỉ trích kế hoạch của ông là sai lầm. Mọi người đều nản chí trước những khó khăn dồn dập này. Tuy nhiên, trực giác mách bảo Hammer phải tiếp tục kiên trì.
Thế là khoảng thời gian nghẹt thở và hàng đống đô la cứ tiếp tục vụt qua cửa số, mãi đến lúc luồng tranh cãi lên đến đỉnh điểm, mâu thuẫn nội bộ trở nên gay gắt thì nhóm khai thác tìm thấy một giếng có dầu.
Sản lượng dầu của giếng này đạt hơn 100 nghìn thùng/ngày, hơn nữa lại là loại dầu có chất lượng cực tốt. Điều quan trọng hơn nữa, vị trí của giếng dầu nằm ở phía tây Lybia, tức gần kênh đào Suez, nhận thêm điểm cộng về vận chuyển thuận lợi.
Cùng lúc, ở khu đất còn lại, với kỹ thuật thăm dò tiên tiến, đội thăm dò của Occidental tiếp tục tìm thấy thêm một giếng dầu với sản lượng 70,3 triệu thùng/ngày. Đây là giếng dầu lớn nhất Lybia.
Sau đó, Hammer tiếp tục đầu tư thêm 150 triệu USD để sửa chữa đường ống dẫn dầu với sức vận chuyển 1 triệu thùng mỗi ngày. Đây mới thực sự là phi vụ đầu tư cực kỳ mạo hiểm bởi tài sản ròng của công ty dầu khí Occidental chỉ mới có 48 triệu USD.
Thành công trên mỏ dầu không khiến cho Armand Hammer quá tự cao, ông bắt đầu nhìn ra giới hạn trữ lượng của các mỏ dầu hiện tại từ rất sớm. Chính vì vậy, ông đã hướng công ty Occidental tiên phong nghiên cứu khai thác các nguồn dầu khác, đặc biệt là dầu đá phiến vào năm 1972.
Nhờ sự mạo hiểm trong phi vụ dầu mỏ ở Lybia, Occidental từ một công ty không tiếng tăm đã phát triển vượt bậc. Đến nay, Occidental đã vươn lên trở thành công ty dầu khí lớn thứ 9 ở Hoa Kỳ với tổng lợi nhuận ròng năm 2018 là hơn 17 tỷ USD.
Theo Trí thức trẻ
Xem thêm bài liên quan
- 3 bài học về cách ứng xử “Bậc thầy” của người Do Thái khiến cả thế giới thán phục: Nghệ thuật “quản” người là càng phạt nặng càng phản tác dụng
- Tinh hoa kinh doanh kiếm tiền của người Do Thái nằm cả ở “Luật vũ trụ 78:22”: Tuyệt kỹ giúp chiến thắng mọi thương vụ làm ăn
- Học người Do Thái tuyệt chiêu bán sản phẩm với bất kỳ giá nào mà khách hàng vẫn vui vẻ hài lòng