Cả máy ảnh và nhiếp ảnh đều được khai sinh ở châu Âu, làm thế nào mà một quốc đảo châu Á với những Nikon và Canon lại thống trị ngành công nghiệp máy ảnh toàn cầu?
Cả máy ảnh và nhiếp ảnh đều được khai sinh ở châu Âu, làm thế nào mà một quốc đảo châu Á lại thống trị ngành công nghiệp máy ảnh toàn cầu?
Cách đâu không lâu, chiếc máy ảnh đầu tiên đến Nhật từ một con tàu Hà Lan vào năm 1848, và bức ảnh Nhật Bản đầu tiên được chụp vào năm 1849 bởi Ichiki Shiro.
Kể từ đó, Nhật Bản đã tiến một bước dài trong lĩnh vực máy ảnh, khi các công ty Nhật chiếm hơn 87% thị phần máy ảnh kỹ thuật số trên thế giới.
Trước thế chiến và sự thống trị của Đức
Vào những năm 1850 – trái với mong muốn của mình – Nhật Bản phải mở cửa giao thương với thế giới, từ đó, nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài đã đến thăm và chụp được những cảnh quan tuyệt đẹp, những con người thú vị ở một đất nước xa lạ.
Quá trình trao đổi văn hóa này nhen nhóm sự quan tâm của người Nhật đối với nhiếp ảnh, kéo theo nhiều studio nhiếp ảnh Nhật Bản được khánh thành.
Vào giai đoạn này, đa phần máy ảnh trên thị trường là Leica của Đức hoặc hiếm hơn là các thương hiệu “đồng hương” với Leica như Contax và Zeiss Ikon. Với công nghệ và chất lượng ống kính vượt trội, người Đức thống trị thị trường máy ảnh 35mm.
Nhận ra tầm quan trọng của thấu kính quang học, Nhật Bản cũng đã mạnh tay đầu tư để phát triển, sản xuất và đưa thấu kính vào trong quân sự.
Trong đó có thể kể đến Nippon Kogaku (sau này đổi tên thành Nikon), công ty trực tiếp phát triển thiết bị quan sát cho Lớp thiết giáp hạm Yamato. Vì Nhật Bản chưa phát triển được radar trong Thế chiến thứ 2, nên các sản phẩm của Nikon rất được quan tâm và đầu tư.
Có thể nói, Nhật Bản đã sở hữu ngành công nghiệp máy ảnh khá phát triển, nhưng không được nhiều người biết đến vì chỉ được ứng dụng trong quân sự.
Ở bên kia chiến tuyến, Mỹ và các nước Đồng Minh đã đưa radar vào sử dụng và đạt được nhiều lợi thế quân sự, vì thế máy ảnh và thấu kính không được các nước này chú ý.
Cơ hội mở ra sau chiến tranh
Sau khi chiến tranh kết thúc, Nikon, Canon và Asahi (sau này là Pentax) được phép sản xuất máy ảnh dân dụng, vì máy ảnh không phải là vũ khí. (Ở Nhật Bản, việc phát triển vũ khí hoặc các thiết bị liên quan như động cơ tuabin bị cấm sau Thế chiến thứ 2).
Trong đó, dòng máy ảnh quang trắc S của Nikon là một biên bản thu nhỏ của thiết bị trên thiết giáp hạm Yamato.
Không may mắn như Nhật Bản, ngành công nghiệp máy ảnh của Đức đã sụp đổ sau nhiều đợt oanh tạc và phần lớn nằm trong lãnh thổ do Nga quản lý. Tệ hơn nữa, quân đội Nga còn làm hỏng những thiết bị chế tạo ra Zeiss Contax, máy ảnh 35mm tiên tiến nhất thời kỳ bấy giờ.
Tận dụng cơ hội quý giá này, Canon liên tục sao chép những mẫu sản phẩm nổi tiếng nhất của Leica, trong khi đó Nikon bắt đầu kết hợp những công nghệ tốt nhất của Leica và Contax để cho ra đời những sản phẩm đột phá, và cuối cùng là Asahi ra mắt dòng phản xạ ống kính đơn nhỏ gọn (SLR Camera).
Cả ba hãng máy ảnh Nhật Bản tận dụng các hiệp định thương mại với Hoa Kỳ để bắt đầu xuất khẩu sản phẩm của họ sang phương Tây.
Không những thế, người Nhật thời kỳ này cũng dần hiểu biết hơn về quy trình và công nghệ nhiếp ảnh, nhu cầu nội địa thúc đẩy các hãng máy ảnh sản xuất nhiều hơn và từ đó có những mức giá thấp hơn, các câu lạc bộ và tạp chí nhiếp ảnh trên khắp đất Nhật Bản dần nở rộ.
May mắn và sai lầm
Nikon (và ngành công nghiệp máy ảnh Nhật Bản nói chung) đã có một bước ngoặt lớn vào năm 1951, khi các nhiếp ảnh gia của Tạp chí Life dừng lại ở Nhật Bản trên đường đến Hàn Quốc và mua một số ống kính Nikon để lắp vào máy ảnh Zeiss Contax của họ.
Những hình ảnh chụp được sau đó sắc nét đến mức khiến các nhân viên kỹ thuật ở New York choáng váng, và danh tiếng của Nikon gần như bùng nổ tại Mỹ chỉ sau một đêm.
Trong khi đó, tại Đức, dù vẫn được nhiều chuyên gia sử dụng nhưng Zeiss lại có những hướng đi như “đào mộ” cho chính mình, liên tiếp tung ra những mẫu “bản sao” với chất lượng không nổi trội như Contax II, hoặc thiết kế mới phức tạp và phi thực tế như Contaflex, và quan trọng là những máy ảnh được tung ra với giá cực kỳ cao.
Tuy vẫn có những điểm sáng le lói như mẫu Leica M3 với thiết kế sáng tạo, nhưng sự sụp đổ của “anh cả” Zeiss đã kéo theo cả ngành công nghiệp máy ảnh tại Đức.
Nhận ra tầm quan trọng của công nghệ phản xạ ống kính đơn, Zeiss còn tung ra mẫu Contax S nhưng chất lượng và độ tin cậy thua xa Pentax của Nhật, khiến thương hiệu này không còn khả năng cạnh tranh.
Tại Châu Á, với giá thành thấp và thiết kế nhỏ gọn, các thương hiệu Nhật Bản nhanh chóng chiếm được cả thị trường chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Để rồi vào cuối những năm 1960 đến những năm 1980, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Nhật Bản đã đưa nước này lên vị trí dẫn đầu về công nghệ máy ảnh và doanh số bán hàng, bỏ xa các đối thủ khác trên thị trường đến từ Mỹ và Đức.
Thành công này còn nhờ vào chương trình kiểm soát chất lượng từ chính phủ Nhật Bản, đảm bảo chỉ những sản phẩm chất lượng cao nhất mới được đưa ra thị trường. Ngành công nghiệp máy ảnh của Nhật phát triển nhanh đến nỗi đối thủ đủ sức cạnh tranh còn lại chỉ là các thương hiệu Nhật với nhau.
Thị trường Camera thời nay
Xét theo doanh số bán hàng, Canon đang thống trị doanh số máy ảnh kỹ thuật số vào năm 2020 với hơn 45% thị trường, theo sau là Sony (20%) và Nikon (19%). Doanh số của Canon phá kỷ lục vào năm 2007 với 33 tỷ USD và những công ty Nhật Bản chiếm đến 93% thị phần máy ảnh kỹ thuật số.
Không ngủ quên trên chiến thắng, Nhật Bản vẫn chi hơn 130 triệu USD cho nghiên cứu khoa học hàng năm – ngân sách lớn thứ ba trên toàn cầu – và có hơn 677.731 nhà nghiên cứu đang hoạt động.
Thêm vào đó, nhiều thương hiệu Nhật Bản vẫn cố gắng duy trì sản xuất tại Nhật như: Canon, Casio, Epson, Fujifilm, Nikon, Olympus, Ricoh, Panasonic, Pentax, Sigma & Sony.
Có thể thấy, dù chỉ là người đi sau, nhưng máy ảnh của người Nhật đã nhấn mạnh vào thiết kế, độ chính xác, chất lượng và giá thành, đảm bảo rằng sản phẩm của họ vượt trội so với phần còn lại. Không chỉ doanh nghiệp và cả chính phủ và người dân Nhật Bản đã góp một tay để máy ảnh đất nước mặt trời mọc “thống lĩnh” cả thế giới ngày nay.
Theo Nhịp sống thị trường
Xem thêm bài liên quan
- Nâng giá một chiếc ly từ 10 ngàn lên 30 triệu, tư duy kinh doanh “thần sầu” này sẽ chỉ bạn cách!
- Ngã tư đường – 4 cây xăng: Câu chuyện về 2 kiểu tư duy cạnh tranh điển hình trong kinh doanh mà ai làm ăn cũng nên nắm rõ
- Tỷ phú Jack Ma: Đừng bao giờ bán hàng cho người thân, họ hàng, bởi họ sẽ chẳng trân trọng đâu!